CSVN – Cơn mưa dầm tháng bảy,làm sống lại những chuỗi ngày từ trong kí ức xa xôi. Tôi đạp xe băng qua những con lô dài thoai thoải dốc với cảm giác ngỡ ngàng, mới mẻ.
Mặt trời đã nhô cao tỏa muôn ngàn ánh hào quang rực rỡ xuyên qua từng ngọn cây kẽ lá, làm khu rừng bừng sáng, rạng ngời đầy tiếng chim kêu ríu rít. Con đường trải dài mênh mang, cây nối cây, hàng nối hàng, lô này nối tiếp lô kia, đều đặn, thẳng tắp như một mê cung giữa mênh mông cây lá. Bên gốc cao su, dòng nhựa trắng tinh như sữa đang căng chảy nhịp nhàng từng giọt, từng giọt hòa vào lòng tô. Con đường vắng vẻ, im lìm thấp thoáng những người công nhân với bộ đồ đậm màu cây lá lẩn khuất trong đường lô, tự nhiên cảm thấy ấm lòng – một người khách đường xa xứ lạ.
Trời ngả về trưa nhưng nắng nhạt màu, tiếng trống tan trường vang lên, lòng nhẹ tênh như chiếc lá, ung dung quay về lối cũ. Trên đường lô rợp mát, lòng miên man, vẩn vơ, ước con đường này dẫn đến tận nơi xa. Nhưng đời không như ta mơ, có áng mây già mua, mệt mỏi, chậm chạp, lười trôi và bỗng dừng chân giữa vòm trời lô cho trút nước.
Cơn mưa trưa bất chợt xối xả đủ để áo ướt, đường trơn. Tôi tần ngần dừng lại nhìn con đường loang loáng nước, nó dài hun hút và như xa thêm muôn dặm. Những chiếc xe máy cày chở bồn chứa mủ to tướng lù lù xuất hiện, chạy băng băng lướt qua mặt tôi để lại phía sau những vết bùn nhão nhoẹt. Con đường làm tôi chùn bước. Ạch! Một cú té lăn quay vì trượt phải cành cao su, mình mẩy đau ê ẩm, tôi gắng gượng đứng lên, lúc này chiếc xe đạp đã trở thành gánh nặng.
Từ các ngã đường lô lũ lượt những người công nhân ra về, họ đạp xe băng băng trên con trơn lầy lội, tôi thật sự ngỡ ngàng và thán phục họ. Có người quay lại nhìn tôi và động viên: Đạp đi đừng sợ, nếu sợ sẽ bị té! Dù được truyền kinh nghiệm nhưng tôi cũng chưa đủ “dũng khí” đạp tiếp, cứ thế mà dắt bộ. Đến một đoạn mương nhỏ mà lúc sáng đẹp trời tôi không có ấn tượng gì, không ngờ lúc này nó là một thử thách khiến tôi phải thốt lên: Má ơi! Sao mà qua được? Lòng mương to, rộng có độ dốc ngắn, trơn láng như thoa mỡ, tôi đứng tần ngần cạnh bờ mương đưa mắt nhìn lần lượt những người công nhân lướt qua hối hả.
Một người…hai người…ba, bốn người họ lướt xe xuống mương rồi lượn lên con dốc với gương mặt bình thản như những người lướt sóng giữa mặt biển mênh mông, động tác thật nhẹ nhàng, thoải mái, dù trên xe có thêm đôi thùng đựng mủ cồng kềnh nhưng vẫn đạp một cách gọn gàng, dứt khoát. Một người dừng lại giúp tôi qua mương, dù rất đỗi vui mừng nhưng tôi vẫn dành lại cho mình một chút sĩ diện, chỉ đưa giúp xe còn người thì đi bộ.
Chỉ trong nháy mắt người ấy đã đưa chiếc xe tôi qua bên kia bờ dốc, còn tôi lần dò từng bước với đôi dép sapô đã mòn đế. Bỗng, ạch! Một cú té thứ hai nhưng lần này nhờ đôi dép mòn ấy đã giúp tôi trượt xa hơn, nhanh hơn qua bên kia mương. Có người nắm lấy tay tôi kéo lên và nhặt lại dép cho tôi, còn tôi lúc ấy mình mẩy lấm lem như con mèo mắc mưa thật xấu hổ không dám ngẩn mặt lên, miệng lí nhí cảm ơn, trong lòng thì hết sức cảm phục, tình người xứ lạ sao ấm áp vô cùng.
Hình ảnh của người công nhân luôn đẹp đẽ trong tôi kể từ ấy, một vẻ đẹp khỏe khoắn của con người lao động dạn dày kinh nghiệm. Họ không chỉ là thanh niên trai tráng, mà còn là những người phụ nữ mảnh khảnh, nhỏ nhắn tưởng như là yếu đuối.
Những ngày mưa tôi không về, ở lại cái xóm nhỏ ven lô, đêm nằm nghe rừng thở miên man, biển lá rì rào bài ca bất tận, điệp khúc của rừng như muôn điệu lời ru đưa ta trở về với ngày xưa bé bỏng. Đêm xa nhà giấc ngủ băn khoăn, đêm chưa qua, canh chưa tàn, ánh trăng còn đong đưa trên ngọn cao su.Tiếng gà chỉ mới gáy râm ran, sương còn ướt đẫm, khí trời lạnh buốt, tiếng thùng đã khua lẻng xẻng, tiếng xe đạp cót két, tiếng chó sủa rộn vang… Báo hiệu một ngày mới bắt đầu, một ngày làm việc của người công nhân trong lúc có những người trong cuộc sống này, còn lang thang trong cõi mộng, còn cuộn mình trong chiếu ấm, chăn êm.
Từ trong cuộc sống đầy khó khăn, vất vả và thử thách họ đã vượt qua, vươn lên phía trước bằng niềm tin, bằng nghị lực và bằng sự chịu thương chịu khó và họ đã tỏa sáng vẻ đẹp của mình. Không chỉ có bàn tay nhanh nhẹn, khéo léo, thành thạo kỹ thuật trong việc khai thác nguồn mủ mà họ còn toát lên vẻ vững vàng, tự tin, thao tác đi đứng, di chuyển nhanh gọn, kĩ năng ứng phó và xử lí tình huống, dứt khoát trong điều kiện thời tiết bất thường. Tất cả những điều đó chỉ có ở người công nhân.
Giờ đây tôi không còn là người khách lạ, mấy mười năm nghe hơi thở của rừng, nghe âm thanh cuộc sống của người đi cạo mủ, chứng kiến những lúc nghèo khó cũng như sự phát triển của xóm làng.Những người công nhân như những ngôi sao sáng lung linh với vẻ đẹp rạng ngời của con người lao động không bao giờ thay đổi. Họ luôn xứng đáng được trân trọng, được ca ngợi, tôn vinh. Với đôi tay vàng, với đôi chân không biết mỏi, với lòng kiên trì, bền bĩ, họ đã dệt nên “tấm thảm xanh” khổng lồ ngang tầm vũ trụ. Họ chính là linh hồn của rừng, linh hồn của vùng đất cao su sừng sững, ngút ngàn.
THOA NGUYEN
(CHÂU ĐỨC, BÀ RỊA – VŨNG TÀU)
Related posts:
- 15 đội tham gia giải bóng chuyền Cao su Ea H'Leo
- Trên 600 vận động viên tham gia Hội thao khu vực Đông Nam bộ
- Cao su Phước Hòa giao lưu thể thao nhân ngày 22/12
- Thể thao nâng cao năng suất lao động
- Nhớ nông trường
- Gắn bó với cây
- Hội thao Rubico tổ chức 6 môn thi đấu
- Tỉnh Điện Biên, Lai Châu cần sớm hoàn thành cấp sổ đỏ cho người dân góp đất trồng cao su
- Cao su Lộc Ninh nhất toàn đoàn Hội thao huyện
- CLB Tập đoàn Cao su - Đồng Tháp: Rộng cửa trở lại V-League