CSVN – Ngày ra trường, nhận quyết định trên tay, anh quả quyết với tôi: Anh sẽ nhận nhiệm vụ ở vùng dự án mới, nơi ấy trồng loại cây có vòng đời ¼ thế kỷ, mủ của nó chính là “vàng trắng” em à.
Nghe anh nói thế, tôi không tin vào tai mình, chả lẽ phải lên tận vùng đất xa xôi, nhiều khó khăn mới đủ để anh thử thách tình yêu và nhiệt huyết của mình? Hay tôi làm điều gì không phải để anh “chán phố” “mê rừng”…Thuyết phục hoài, đành phải thuận theo sự lựa chọn của “kẻ lập dị” – như bao người từng nói về anh như thế.
Ngày lên rừng, chia tay tôi với nụ cười đầy quyết đoán, vác ba lô lên vai, mấy ký cá khô và vài ba sim điện thoại (trong lô cao su hay mất sóng). Xa phố, chàng kỹ sư lâm nghiệp hồ hởi lên đường thực hiện ước mơ – Khát khao được cống hiến.
“Em ạ, mỗi sớm mai thức dậy, hít hà không khí trong lành còn ướt đẫm sương đêm, khung cảnh bình yên và tiếng chim gù tìm nhau vang vọng cả góc rừng. Cả âm thanh quen thuộc cuộc sống lao động khẩn trương những ngày tháng thi đua chạy nước rút, những nụ cười hạnh phúc tin yêu của người lao động khi cuối kỳ được nhận lương… Và đó là nghĩa tình sâu nặng của người cao su khi trái gió trở trời. Em hãy đến một lần đi rồi sẽ thấy vì sao con người ở đây thân thiện và đáng yêu đến thế…”. Anh huyên thuyên kể cho tôi nghe nhiều điều về tình cây, tình người cao su nơi anh sống.
Ngày đầu, điện thoại tò tí te. Ngày thứ hai,“thuê bao quý khách có thể ngoài vùng phục vụ hoặc tắt máy”…. Ngày thứ ba, vẫn không liên lạc được… Bồn chồn, đứng ngồi không yên. Mấy hôm nay, trời Sài Gòn ẩm ướt, tiết trời sụt sùi của những ngày chuẩn bị đón bão…
Một ngày hửng nắng, chuông điện thoại đổ dồn, số lạ hoắc. Alo …
“Anh đây, mấy ngày nay mưa quá, điện thoại lại mất sóng. Cho anh xin lỗi nhé… Giá mủ đang nhích lên, thế mà trời cứ mưa suốt, công nhân chạy mưa trút mủ thật cực…”. Thế đấy, anh say sưa kể tôi nghe về giá mủ lên, rồi xuống, về năng suất vườn cây khi trồi khi sụt, về niềm vui của người lao động khi ngày nắng lên – bởi trời cũng hiểu lòng người… Và cả những bữa cơm với rau rừng, cá suối, nấm mối…. Thế mới biết, chỉ những người trong cuộc mới hiểu hết giá trị đích thực của công việc mà mình yêu thích, lựa chọn, nguyện gắn bó thủy chung.
Vâng, cả anh và chúng tôi – những người lao động “một nắng hai sương”, tất cả cùng chung nỗi niềm đau đáu của bao “người trong cuộc”, sốt ruột bởi giá mủ cứ thử thách sự nhẫn nại, kiên trì vượt khó; thời tiết bất thuận, mưa bão liên miên, để cây và người thèm có một ngày ửng nắng; và lá vẫn cứ xôn xao, dòng nhựa trắng trong thân cây cứ “rần rật” thách thức muốn tuôn trào!
Thế mới biết “lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Càng khó khăn tinh thần đồng cam cộng khổ càng được tôi luyện, nâng niu ươm trồng hạt giống niềm tin vượt qua ngày giông bão. Giá mủ sụt nhưng ta đồng sức, chung lòng; chắt chiu từng giọt mủ, tìm giải pháp tăng năng suất vườn cây. “Cái khó ló cái khôn”! Không có gì là không thể, truyền thống vượt khó của ngành cao su như thanh âm trong trẻo vẫn vang vọng, trang sử vàng chói lọi 89 năm “Phú Riềng đỏ” hào hùng là điểm tựa tạo sức mạnh tinh thần để người lao động có thêm sức mạnh và vững tin vào nghề nghiệp.
Ta lại đến với rừng, chung tay khai thông dòng nhựa trắng – Bởi nơi ấy là tình yêu!
AN BÌNH
Related posts:
- Báo chí với cuộc đấu tranh của CN cao su
- Xin mãi được đồng hành
- Sôi nổi Hội thao Cao su Phú Riềng
- HLV người Nhật có giúp Đội tuyển VN đổi vận?
- Kết quả thi đấu môn Quần vợt Hội thao khu vực II
- Khai mạc giải bóng đá Thanh Niên VRG Cúp 2019
- Học để thoát nghèo
- Tăng cường ứng dụng cơ giới hóa trên vườn cây
- Cây cao su - Giá trị vàng vô hình (*)
- Cao su Bà Rịa tổ chức Hội thao chào mừng lễ 30/4