Nâng cao sức cạnh tranh của cao su Việt Nam

CSVN – Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ IV (2015 – 2017) của Hiệp hội Cao su VN (VRA) cho thấy các hội viên, doanh nghiệp và người trồng cao su đã trải qua một thời kỳ đầy khó khăn, thách thức khi giá cao su liên tục giảm do tình trạng dư cung trên toàn thế giới.
Ảnh: Nguyễn Thị Tình
Ảnh: Nguyễn Thị Tình

Tuy nhiên, ngành cao su Việt Nam vẫn đạt những thành tựu đáng ghi nhận trong việc tìm cách duy trì sản xuất và xuất khẩu, tăng hiệu quả sử dụng đất và đa dạng hóa nguồn thu nhập, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để giảm giá thành và tăng năng suất… trước những khó khăn của thị trường cao su.

Trong thành quả đó, có sự đóng góp quan trọng của VRA, với trên 70% giá trị xuất khẩu cao su thiên nhiên của cả nước. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thuộc các ngành nghề chế biến sản phẩm cao su cũng đã góp phần đưa tốc độ tăng trưởng giá trị xuất khẩu về sản phẩm cao su đạt trên 16,5% mỗi năm và đạt 2,176 tỷ USD năm 2017. Nguyên liệu gỗ cao su và sản phẩm gỗ cao su cũng đang phát triển, trở thành mặt hàng quan trọng của ngành cao su, với kim ngạch xuất khẩu năm 2017 đạt 1,978 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành cao su Việt Nam đạt 6,402 tỷ USD.

Hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam vẫn đạt những kết quả đáng khích lệ, góp phần vào sự ổn định và phát triển chung của nền kinh tế cả nước. Đặc biệt, ngành cao su thiên nhiên Việt Nam đã duy trì vị trí thứ hai về năng suất, giữ vững vị trí thứ ba về sản lượng và xuất khẩu trên thị trường thế giới trong năm 2017.

Trong cơ cấu xuất khẩu của ngành cao su Việt Nam hiện nay, tỷ lệ xuất khẩu cao su thiên nhiên vẫn ở mức cao, tiêu thụ nội địa cho chế biến sâu còn thấp nên ngành cao su Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới, vì lệ thuộc nhiều vào giá cao su của thị trường thế giới thường xuyên biến động.

Vì vậy, bên cạnh thị trường quốc tế, ngành cao su cần quan tâm đến phát triển thị trường trong nước, nâng cao sức cạnh tranh của cao su Việt Nam trên thị trường thế giới trên cơ sở đảm bảo chất lượng sản phẩm theo chuẩn mực quốc tế, thống nhất về quản lý chất lượng trên phạm vi cả nước; tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật tiến bộ, chuyển đổi cơ cấu sản phẩm phù hợp theo nhu cầu của thị trường, mở rộng đầu tư chế biến sản phẩm từ nguồn nguyên liệu cao su trong nước.

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu ngành, triển khai truy xuất nguồn gốc sản phẩm, ứng dụng công nghiệp 4.0, hướng đến phát triển bền vững, trở thành doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội và môi trường theo chuẩn mực quốc gia và quốc tế.

TRẦN HUỲNH