Cơ hội để gỗ cao su cất cánh

CSVNO – Gỗ cao su đã trở thành một trong những nguồn cung gỗ nguyên liệu quan trọng đối với ngành chế biến gỗ của Việt Nam, đặc biệt là vai trò trong xuất khẩu. Hàng năm, lượng cung gỗ từ nguồn này bình quân lên tới 4,5 – 5 triệu m³ quy tròn, với trên 90% được khai thác từ các vườn cao su thanh lý đại điền.
Mỗi năm gỗ và các mặt hàng làm từ gỗ cao su đem lại kim ngạch 1,7 - 1,8 tỉ USD
Mỗi năm gỗ và các mặt hàng làm từ gỗ cao su đem lại kim ngạch 1,7 – 1,8 tỉ USD

 Ngành công nghiệp chế biến gỗ là một trong những ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam. Năm 2017, ngành đạt 7,66 tỷ USD về kim ngạch xuất khẩu, đứng thứ 6 về kim ngạch xuất khẩu trong tất cả các ngành. Kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ tăng bình quân khoảng 13%/năm kể từ 2010. Kim ngạch xuất khẩu của ngành đã vươn lên đứng đầu khu vực Đông Nam Á, thứ 2 châu Á, thứ 5 trên thế giới. Với kim ngạch này, đồ gỗ của Việt Nam chiếm khoảng 6% thị phần đồ gỗ thế giới.

Tiến sỹ Nguyễn Vinh Quang - chuyên gia Forest Trends, báo cáo tại hội thảo ngày 28/9. Ảnh: Đào Phong
Tiến sỹ Nguyễn Vinh Quang – chuyên gia Forest Trends, báo cáo tại hội thảo ngày 28/9. Ảnh: Đào Phong

Báo cáo tại “Hội thảo chuỗi cung cao su thiên nhiên và gỗ cao su: Thực trạng và giải pháp phát triển bền vững”, ngày 28/9, tại TP.HCM, do Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Tổ chức Forest Trends, VRG và VRA, phối hợp tổ chức, Tiến sỹ Nguyễn Vinh Quang – chuyên gia Forest Trends (Tổ chức phi lợi nhuận nhằm thúc đẩy bảo tồn và quản lý rừng bền vững), cho biết gỗ cao su và các mặt hàng đồ gỗ được làm từ gỗ cao su đã và đang có vị thế quan trọng cho cả ngành cao su và ngành gỗ.

“Trong những năm gần đây, mỗi năm ngành cao su cung ra thị trường khoảng 4,5 – 5 triệu m³ gỗ cao su tròn. Đây là nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào, nguồn gốc pháp lý rõ ràng rất quan trọng cho ngành gỗ, không chỉ đối với các sản phẩm phục vụ thị trường xuất khẩu mà cả các sản phẩm tiêu dùng nội địa.

Bình quân mỗi năm, gỗ và các mặt hàng làm từ gỗ cao su đem lại kim ngạch 1,7 – 1,8 tỉ USD, chiếm trên 20% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ, và là 1 trong 3 nhóm mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất của ngành cao su. Các sản phẩm được làm từ gỗ cao su hiện là một trong những nhóm mặt hàng được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng”, ông Quang cho biết.

Đại biểu tham gia hội thảo
Đại biểu tham gia hội thảo

Theo báo cáo “Chuỗi cung gỗ cao su Việt Nam: Thực trạng và chính sách” được công bố tại hội thảo cho thấy, năm 2017 các doanh nghiệp chế biến gỗ tại Việt Nam đã xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ được làm từ gỗ cao su tới 109 quốc gia và vùng lãnh thổ, với lượng gỗ sử dụng trong các sản phẩm này lên tới gần 3,5 triệu m³ gỗ cao su quy tròn, tương đương hơn 68% tổng lượng gỗ cao su đã sử dụng trong năm.

Với trên 90% nguồn cung gỗ được khai thác từ các vườn cao su thanh lý đại điền, gần 70% lượng cung này được đưa vào chuỗi cung xuất khẩu, phần còn lại đưa vào chế biến các mặt hàng phục vụ tiêu dùng nội địa. Điều đó cho thấy, nhu cầu sử dụng gỗ nguyên liệu cao su rất lớn, tuy nhiên thực trạng hiện nay cho thấy các doanh nghiệp chế biến gỗ nằm ngoài ngành cao su rất khó tiếp cận nguồn cung gỗ. Trong tương lai, nguồn cung gỗ từ tiểu điều sẽ tăng và sẽ vượt nguồn cung gỗ từ nguồn cao su đại điền. Với một số lượng đông đảo các hộ tham gia chuỗi cung gỗ (khoảng 264.000 hộ), cung gỗ từ nguồn này sẽ vô cùng phức tạp nếu không có những hoạt động hiệu quả nhằm tổ chức thị trường.

Đại biểu tham dự hội thảo
Quang cảnh hội thảo ngày 28/9 tại T^P.HCM

Tiến sỹ Trần Thị Thúy Hoa – Trưởng ban Tư vấn phát triển ngành cao su (thuộc VRA), thành viên nhóm nghiên cứu kiến nghị: “Cần có chu kỳ thanh lý cây cao su hợp lý để không chỉ đáp ứng nguồn cung nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ trong nước mà còn góp phần cân đối giá cao su nguyên liệu trên thế giới”.

Còn ông Trần Minh – Trưởng ban Công nghiệp VRG, chia sẻ Tập đoàn đã và đang phối hợp với các tổ chức quốc tế để được cấp chứng chỉ rừng bền vững. Đây là một trong những bước để nâng cao giá trị cho gỗ cao su. Ngoài ra, VRG cũng đã trồng những giống cao su theo tiêu chí gỗ – mủ, đây là nguồn cung gỗ có giá trị sau chu kỳ khai thác. “Hướng đi của Tập đoàn là tăng lợi nhuận cao nhất trên một đơn vị diện tích đất canh tác cao su”, ông Minh phát biểu.

 

ANH QUÂN