CSVN – Đã lâu lắm rồi, người công nhân (CN) cao su chưa được nhận lương cao, thưởng lớn. Ngược lại, đến đâu cũng nhận được những chia sẻ về cuộc sống khó khăn. Thế nhưng, chưa lúc nào giữa người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động lại sát cánh bên nhau như hiện nay. Cái khó đang dần biến thành nguồn động lực lớn lao để cùng chung lưng đấu cật, vượt qua khó khăn.
Tranh thủ nguồn thu từ kinh tế gia đình
Hơn 2 giờ chiều, trời nắng nhẹ sau gần 3 tháng mưa. Anh Trần Ngọc Tú – Phó GĐ NT Thống Nhất – Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông đưa chúng tôi đến gặp anh em CN đang bôi thuốc kích thích tại tổ 3. Hai vợ chồng tổ trưởng Phạm Văn Sơn và CN Đỗ Thị Huyền dừng tay vào lán tiếp chuyện với chúng tôi.
Mở đầu câu chuyện, anh Sơn bộc bạch: “Các anh biết đấy, đời sống CN hiện nay hết sức khó khăn. 2 vợ chồng tôi làm suốt ngày trên lô, mỗi tháng cũng được chừng gần 9 triệu đồng. Chừng ấy rất khó để chúng tôi trang trải cho gia đình, lo cho con đến trường … Do vậy, chúng tôi phải tích cực làm thêm kinh tế gia đình. Hiện gia đình tôi có hơn 1ha cà phê và 600 trụ tiêu đang cho thu hoạch. Đây tuy là công việc phụ, nhưng lại là nguồn thu nhập chính hiện nay”.
Vài năm trở lại đây, tình hình giá bán và tiêu thụ của ngành cao su gặp nhiều khó khăn. Các đơn vị Tây Nguyên lại càng khó hơn. Năm nay mưa kéo dài gần 3 tháng làm vườn cây bị bệnh rụng lá mùa mưa ở mức độ nặng, ảnh hưởng đến công tác khai thác và thu nhập NLĐ.
Trong tình hình đó, nhiều đơn vị đã vận dụng các phương án để hỗ trợ đơn giá tiền lương cho CN. TGĐ Cao su Chư Prông Võ Toàn Thắng cho hay: “Đáng lý đơn giá tiền lương của CN bị giảm từ tháng trước, nhưng trong điều kiện này chúng tôi không thể giảm, sợ có sự biến động lớn về lao động lại khó đạt được kế hoạch sản lượng đề ra”.
Do điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng bất thuận, những năm gần đây, một số đơn vị đã tiến hành thanh lý để chuyển đổi cơ cấu giống chất lượng hơn, thích nghi với từng tiểu vùng khí hậu tốt hơn. Đây cũng là cơ hội tốt để NLĐ ở các đơn vị này nâng cao thu nhập từ việc trồng xen. Hiện nay, công tác trồng xen được CBCNV – LĐ ở Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê, Chư Păh và Mang Yang phát triển mạnh nhất với nhiều loại cây trồng như khoai lang, nghệ, gừng, cà phê, chuối, hoa màu…
Với những đơn vị có vườn cây đang ở thời kỳ đỉnh cao cho mủ như Cao su Kon Tum thì CN lại có những mô hình kinh tế gia đình khác, phù hợp với tình hình thực tế. Chị Y Doanh CN tổ 7 – NT Đăk Tờ Re cho biết: “Mấy năm trước tiền lương còn cao, năm nay lương tháng 7, 8 chỉ được gần 4 triệu đồng, cuộc sống gia đình hết sức khó. Biết trước là sẽ khó khăn nên từ vài năm trước, em đã học hỏi các chị em trong tổ chăn nuôi heo, nuôi vịt để kiếm thêm thu nhập”.
Nỗ lực hết mình để công nhân sống bằng lương
Trăn trở với tình cảnh hiện nay của CN, ông Lê Khả Liễm – TGĐ Cao su Kon Tum cho rằng: “Phải lo cho CN, cho NLĐ. Làm sao để NLĐ luôn có việc làm ổn định, đó là trách nhiệm của lãnh đạo đơn vị. Điều cốt lõi nhất hiện nay vẫn là thu nhập của CN, chúng tôi sẽ phải cố gắng hết mình để CN có thể sống bằng lương dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Với Cao su Kon Tum thì chúng tôi sẽ nỗ lực để mức lương bình quân NLĐ đạt 4,7 triệu đồng/người/tháng”.
Trong câu chuyện với chúng tôi, anh Phạm Văn Sơn chia sẻ: “Tôi nghĩ cũng đến lúc chúng ta thôi than thở về sự khó khăn hiện nay mà tập trung vào công việc, làm sao cho tốt, làm sao cho nhiều mủ. Tuy khó khăn, nhưng tư tưởng của anh em CN ở tổ 3 vẫn ổn định và một lòng tin tưởng vào sự tăng trưởng trở lại của ngành cao su cũng như niềm tin vào sự lãnh đạo của công ty sẽ sớm vượt qua khó khăn”.
Ông Võ Toàn Thắng thì cho hay: “Dù khó đến đâu chúng tôi cũng sẽ duy trì tiền lương như kế hoạch đã đề ra để tạo sự yên tâm cho CN, nếu kịch bản tiếp tục xấu, chúng tôi phải dừng việc ăn ca và vài chi phí khác để tập trung cho tiền lương NLĐ”.
Hiện tại trên địa bàn Gia Lai – Kon Tum không có những khu công nghiệp như tại một số tỉnh, thành phố lớn nhưng nơi đây NLĐ vẫn còn những công việc khác để cải thiện cuộc sống bằng cách tích cực trồng xen, thâm canh nương rẫy, chuyển đổi một số mô hình kinh tế gia đình để có hiệu quả hơn.
VĂN VĨNH
Related posts:
- Thu nhập bình quân người lao động Cao su Tân Biên đạt 8,2 triệu/người/tháng
- Cao su Chư Sê xứng danh “Anh hùng Lao động” thời kỳ đổi mới
- Cao su Chư Prông sẵn sàng cho mùa tái canh
- Cao su thay đổi vùng đất gió
- Hơn 50 năm Cao su Lộc Ninh phát triển kinh tế vùng biên giới
- Rubico: Vượt khó vươn lên, không ngừng phát triển
- Trở lại với nghề
- Thợ giỏi cao su Quảng Nam hào hứng luyện rèn chờ ngày hội lớn
- TCT Cao su Đồng Nai: Sôi nổi Hội thi Bàn tay vàng cấp nông trường
- Cao su Lai Châu tổ chức huấn luyện lực lượng tự vệ