Thêm nguyên liệu cho ngành gỗ

CSVN – Ngành công nghiệp chế biến và lâm sản xuất khẩu đang có những bước tăng trưởng khởi sắc, đòi hỏi phải có nguồn nguyên liệu lớn. Tuy nhiên, nguyên liệu trong nước chỉ mới đáp ứng được 75% yêu cầu. Việc sử dụng nguyên liệu trong nước hay nhập khẩu đều gặp những nút thắt cần tháo gỡ.
Nguồn cung ứng nguyên liệu cho ngành gỗ hiện nay đang hạn chế. Ảnh: Bùi Viết Đồng
Nguồn cung ứng nguyên liệu cho ngành gỗ hiện nay đang hạn chế. Ảnh: Bùi Viết Đồng
Những nút thắt đối với nguyên liệu nhập khẩu và trong nước

Đối với nguyên liệu nhập khẩu cần ổn định về khối lượng và chủng loại gỗ nhập khẩu. Tuy nhiên đòi hỏi phải đảm bảo 100% gỗ sạch, điều này gây khó khăn trong một vài năm tới vì khối lượng gỗ nhập khẩu hàng năm rất lớn và từ nhiều thị trường khác sau, chính sách cũng khác nhau, do đó việc lựa chọn thị trường gỗ nhập khẩu 100% gỗ sạch là một thách thức với doanh nghiệp. Bên cạnh đó việc nhập khẩu từ nhiều quốc gia bằng nhiều đường khác nhau nên dẫn đến những khó khăn trong việc kiểm soát nguồn cung.

Nguồn nguyên liệu nội địa đang từng bước đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu với số lượng ngày càng lớn với nhịp độ tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước. Các tổ chức, cá nhân cung ứng nguồn gỗ trong nước đã tạo nên các chuỗi cung ứng nguyên liệu gỗ khác nhau.

Bên cạnh những thuận lợi thì gỗ nguyên liệu trong nước cũng gặp không ít khó khăn như: Trừ gỗ cao su, gỗ vườn nhà, còn lại gỗ rừng trồng chủ yếu là gỗ có đường kính nhỏ, năng suất thấp và chất lượng không cao. Các loại sản phẩm gỗ rừng trồng hiện nay dùng để chế biến xuất khẩu chủ yếu là gỗ keo, gỗ cao su, ngoài ra có một số loại gỗ khác như bạch đàn, bồ đề… nhưng số lượng rất nhỏ. Đối với gỗ cao su thì sản lượng khai thác có hạn, diện tích cây cao su đã định hình khoảng gần 1 triệu ha, mỗi năm thanh lý trên dưới 15.000 ha, do đó lượng gỗ cao su cung ứng chỉ đáp ứng tối đa không quá 5 triệu m³/năm.

Ông Nguyễn Tôn Quyền – Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản VN cho biết: “Để phát triển và cung ứng nguồn nguyên liệu gỗ hiệu quả, bền vững cho ngành công nghiệp chế biến gỗ cần phải tập trung vào ba nhóm giải pháp cơ bản, đó là: Mở rộng diện tích rừng trồng; Nâng cao năng suất rừng và chất lượng cây gỗ; Sử dụng nguyên liệu gỗ có hiệu quả và bền vững”.

Cần nghiên cứu bổ sung trồng thêm các loại như xoan đào, giá tỵ

Theo quyết định công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2017 thì tổng diện tích rừng trồng cả nước đạt gần 4.179.000 ha. Theo khảo sát của Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam thì hiện nay chỉ có thể mở rộng rừng từ diện tích rừng trồng trên đất đã giao cho người dân theo hình thức liên kết giữa doanh nghiệp chế biến gỗ với chủ rừng là hộ gia đình và hợp tác xã trồng rừng. Đây là mô hình đang được khuyến khích thực hiện vì hiệu quả mang lại rất khả quan.

Ngoài ra, để đảm bảo số lượng và chất lượng gỗ cho ngành công nghiệp gỗ cần đặc biệt chú trọng về giống, biện pháp kỹ thuật thâm canh rừng. Giống phải được nghiên cứu, chọn tạo và nhân giống bằng công nghệ cao đảm bảo chất lượng cho rừng trồng. Ngoài cây keo và cây cao su, bồ đề thì cần nghiên cứu bổ sung thêm một số loại cây mới đáp ứng nhu cầu của thị trường như xoan đào, keo hoa vàng, giá tỵ…

Đối với nhóm giải pháp sử dụng nguyên liệu gỗ có hiệu quả và bền vững thì Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam đề xuất phải xây dựng các cụm xẻ sơ chế tập trung quy mô lớn ở những vùng trồng tập trung. Đồng thời tiến hành xây dựng các trung tâm giao dịch gỗ tại ba miền Bắc, Trung, Nam để thuận tiện trong việc giao dịch và kiểm soát nguồn gốc gỗ.

HÀ KHUÊ