Chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu: Cần đổi mới và đột phá

CSVN – Ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu đã có những chuyển biến tích cực, là một trong số ít ngành hàng đem lại giá trị xuất siêu cao, trong những năm qua. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, đạt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một trong các trung tâm sản xuất đồ gỗ có chất lượng của thế giới, đòi hỏi các doanh nghiệp (DN) phải có những bước đi đổi mới, sáng tạo và đột phá.
Thị trường ngày càng đòi hỏi nguyên liệu có nguồn gốc, chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế. Ảnh: Phạm Thị Kim Thanh
Thị trường ngày càng đòi hỏi nguyên liệu có nguồn gốc, chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế. Ảnh: Phạm Thị Kim Thanh
Còn nhiều tồn tại, hạn chế

Mặc dù ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu của Việt Nam trong 10 năm qua, có tốc độ phát triển nhanh nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Cụ thể, chất lượng gỗ nguyên liệu khai thác từ rừng trồng trong nước còn thấp do rừng khai thác sớm ở tuổi non, gỗ có đường kính nhỏ, nguyên liệu chỉ đáp ứng 75% yêu cầu sản xuất, còn lại vẫn nhập khẩu.

Đa số các DN trong nước chưa hình thành được hệ thống phân phối hàng hóa, hoạt động tiếp thị quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại chưa được quan tâm. Năng lực cạnh tranh giữa các DN hạn chế, hoạt động theo kiểu đơn lẻ, thiếu liên kết trong sản xuất kinh doanh. Việt Nam có nhiều DN sản xuất lớn, công nghệ hiện đại nhưng lại thiếu DN có sản phẩm tên tuổi, để lại dấu ấn sâu đậm trên thị trường quốc tế và nội địa. Đa số các DN vẫn đang là đơn vị gia công, làm theo các đơn đặt hàng của đối tác nước ngoài.

Ngoài ra, nguồn nhân công lao động dồi dào nhưng chủ yếu là lao động phổ thông, năng suất lao động thấp, thiếu hút nguồn lao động có tay nghề cao cho nhu cầu sản xuất. Yêu cầu bảo vệ môi trường ngày càng cao, dẫn đến nhiều nước ban hành các quy định về truy xuất nguồn gốc gỗ đảm bảo 100% hợp pháp, gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững.

Do đó việc lựa chọn thị trường gỗ nhập khẩu đảm bảo 100% gỗ hợp pháp là một thách thức với DN khi giá nguyên liệu gỗ đầu vào sẽ tăng lên, ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của sản phẩm. Các nước trên thế giới ban hành tiêu chuẩn cao đối với hàng nhập khẩu nên gây không ít trở ngại cho ngành gỗ Việt Nam. Bên cạnh đó, cơ chế Việt Nam chưa có chính sách tổng thể, đồng bộ để tạo sức bật cho toàn ngành. Do đó, ngành chế biến và xuất khẩu gỗ vẫn mang tính tự phát.

Tất cả những khó khăn đó đã đặt ra những thách thức, đòi hỏi Chính phủ phải có các giải pháp, định hướng cụ thể để ngành phát triển. Đồng thời, các DN phải đổi mới, có bước đột phá trong sản xuất, tích cực hơn nữa trong quảng bá, xúc tiến thương mại để góp phần hoàn thành các chỉ tiêu về kim ngạch xuất khẩu được giao trong những năm tiếp theo.

Khách hàng nước ngoài tìm hiểu sản phẩm gỗ cao su ghép tấm tại Công ty CPCS Trường Phát. Ảnh: B.N
Khách hàng nước ngoài tìm hiểu sản phẩm gỗ cao su ghép tấm tại Công ty CPCS Trường Phát. Ảnh: B.N

Tại Hội nghị của Chính phủ về “Định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu”, được tổ chức ngày 8/8, vừa qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chỉ rõ: “Các DN phải nghiêm túc nhìn nhận những khuyết điểm, hạn chế để tháo gỡ khó khăn. Trong đó, cần phải đặc biệt quan tâm đến việc tăng cường sự liên kết giữa các DN với nhau, giữa DN với hộ trồng rừng.

Đánh giá toàn diện tác động hội nhập kinh tế quốc tế để làm thế nào giữ vững được thị trường truyền thống, phát triển thị trường xuất khẩu, thực hiện đạt và vượt mục tiêu xuất khẩu đạt kim ngạch tối thiểu 9 tỷ USD trong năm 2018. Và đề ra những giải pháp, trách nhiệm của DN trong việc bảo vệ môi trường”.

Phát triển bền vững dựa trên hội nhập sâu rộng

Đứng trước những thách thức của ngành gỗ và yêu cầu cần phải đột phá để đủ sức cạnh tranh, các DN ngành gỗ phải đảm bảo nguồn nguyên liệu hợp pháp, có chất lượng cho ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu. Nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN trên thị trường thế giới.

Phát triển nguồn nhân lực cung cấp cho ngành để đáp ứng được yêu cầu mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm chế biến xuất khẩu. Đồng thời, Chính phủ và các cơ quan ban ngành cần bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý để hỗ trợ các DN chế biến xuất khẩu gỗ và lâm sản tổ chức sản xuất kinh doanh có hiệu quả.

Phát biểu tại Hội nghị về công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Ngành chế biến gỗ và lâm sản nằm trong số ít ngành hàng đem lại giá trị xuất siêu cao của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu của ngành năm 2017 đạt hơn 8 tỷ USD, tăng 2,7 lần trong thời gian 10 năm là một kết quả ấn tượng.

Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn nhận và đánh giá một cách khách quan những tồn tại, hạn chế của ngành để từ đó đề ra các giải pháp tối ưu để ngành phát triển lên một tầm cao mới. Ngành chế biến gỗ trong thời gian tới cần định hướng phát triển bền vững dựa trên sự hội nhập sâu rộng vào thị trường gỗ quốc tế, nguồn nguyên liệu trong nước, công nghệ và kỹ thuật tiên tiến, nguồn nhân lực được đào tạo có trình độ quản lý phù hợp và tay nghề cao cùng với hệ thống công nghiệp hỗ trợ hiệu quả”.

Tại Hội nghị, Thủ tướng cũng cho biết, Văn phòng Chính phủ và Bộ NN & PTNT đã hoàn tất dự thảo Chỉ thị về những định hướng, giải pháp phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu. Dự kiến sau hội thảo, Thủ tướng sẽ ban hành chỉ thị. Đây là cơ sở pháp lý cần thiết để tạo điều kiện để ngành phát triển bền vững.

732 DN có chứng nhận CoC/FSC

Hiện nay, ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu đã hình thành một số mô hình liên kết, hợp tác giữa DN chế biến và người trồng rừng nguyên liệu đạt hiệu quả kinh tế cao, gắn với bảo vệ môi trường.

Với sự đòi hỏi ngày càng cao về sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ hợp pháp của một số thị trường lớn nhập khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam như Hoa Kỳ, Châu Âu, Australia, các DN xuất khẩu đã chủ động hoàn thiện hệ thống quản lý sản xuất và hợp tác với hộ trồng rừng để cung cấp, sử dụng nguyên liệu có chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế để thích ứng với yêu cầu của thị trường.

Tính đến cuối năm 2017, Việt Nam có 732 DN có chứng nhận chuỗi hành trình (CoC/FSC), đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Trong đó, có 49 DN được cấp chứng chỉ quản trị rừng bền vững, với tổng diện tích hơn 226 ngàn ha.

Đây là kết quả của quá trình hợp tác giữa DN chế biến gỗ với các chủ rừng là hộ gia đình, nhóm hộ gia đình để hình thành các khu rừng trồng cung cấp gỗ, giúp các DN chủ động được nguồn nguyên liệu. Đồng thời tạo điều kiện cho người trồng rừng yên tâm về đầu ra sản phẩm, đảm bảo ổn định giá bán, từng bước nâng cao đời sống cho người trồng rừng.

Có thể kể đến một số mô hình hợp tác điển hình như mô hình liên kết các hộ dân xây dựng vùng nguyên liệu gỗ rừng keo có chứng chỉ FSC, mô hình hỗ trợ hợp tác xã bền vững của Công ty Scansia Pacific, mô hình liên kết giữa Công ty Woodsland với các hộ gia đình trồng rừng tại tỉnh Tuyên Quang…

HÀ KHUÊ