HAWA DDS – Giải pháp hiệu quả gỡ khó cho gỗ cao su Việt Nam

CSVN – Với giải pháp HAWA DDS, các khó khăn của gỗ cao su sẽ cơ bản được tháo gỡ, giúp khai thông đầu ra không chỉ cho các DN thành viên VRG mà còn cả các DN chế biến gỗ xuất khẩu Việt Nam.g

Trong 2 thập kỷ trở lại đây, cùng với sự lớn mạnh của ngành công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam, gỗ cao su đã trở thành một nguồn nguyên liệu nội địa đầu vào quan trọng và giúp đem lại sức cạnh tranh tốt cho các sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam xuất khẩu ra thế giới. Tuy nhiên, do cây cao su lâu nay được xác định là một cây nông nghiệp và là tài sản của nhà nước trong các công ty quốc doanh cho nên việc khai thác, chế biến và buôn bán gỗ cao su đã gặp phải không ít khó khăn do cơ chế chưa hợp lý.

Xây dựng hệ thống giải trình đủ mạnh

Thêm vào đó, việc các sản phẩm gỗ xuất khẩu khi đi vào thị trường EU hay Bắc Mỹ phải tuân thủ các quy định về gỗ có xuất xứ hợp pháp như EUTR và luật Lacey đã khiến cho các nhà mua hàng ở các thị trường này tự diễn giải rằng gỗ cao su Việt Nam có chứng chỉ FSC thì mới đáp ứng được các quy định trên. Nếu như 2 khó khăn đầu tiên chỉ đơn thuần là vấn đề nội bộ và chúng ta có thể chủ động giải quyết được, thì vấn đề chứng chỉ FSC lại nằm ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp (DN) Việt Nam bởi nó được thực hiện bởi các tổ chức quốc tế theo các tiêu chuẩn quốc tế về quản trị rừng bền vững.

Cốt lõi của vấn đề, của thị trường, và của người mua hàng lại không phải là việc có chứng chỉ FSC hay không, mà là xuất xứ của gỗ có hợp pháp hay không. Việc đòi hỏi chứng chỉ FSC chẳng qua chỉ là một cách để nhà nhập khẩu yên tâm là gỗ cao su từ Việt Nam có nguồn gốc hợp pháp, không phải tốn công chứng minh nhiều bởi uy tín của chứng chỉ này quá lớn.

Xét về tính hợp pháp, hầu hết gỗ rừng trồng nội địa của Việt Nam đều đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, nhưng lâu nay Việt Nam vẫn chưa có một hệ thống nào giúp cho việc giải trình và chứng minh tính hợp pháp của gỗ nội địa có đủ sức thuyết phục, do vậy chúng ta vẫn phải dựa vào các chứng chỉ quốc tế để làm hài lòng nhà mua hàng nước ngoài.g2

Và đó là lý do tại sao Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) đã quyết tâm xây dựng bằng được một hệ thống giải trình đủ mạnh để giải quyết bài toán khó này, giúp giải quyết tận gốc những khó khăn mà gỗ cao su và các loại gỗ rừng trồng khác đang gặp phải, qua đó khai thông bế tắc về xuất xứ nguyên liệu nội địa cho ngành chế biến gỗ Việt Nam.

Để làm được điều này, HAWA đã huy động sự vào cuộc của các doanh nghiệp chế biến và cung cấp gỗ, Tổng cục Lâm nghiệp, các chuyên gia quốc tế và trong nước, nhà tài trợ FAO EU, và các tổ chức cấp chứng chỉ quốc tế có uy tín như NEPCon, Bureau Veritas, Rain Forest Alliance… để cùng nhau dựng lên 1 hệ thống giải trình gỗ hợp pháp phù hợp với hoàn cảnh và nhu cầu Việt Nam, đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và có thể được nhà nhập khẩu từ các nước tiên tiến chấp nhận.

Ưu điểm của giải pháp HAWA DDS

Sau một thời gian tham vấn rộng rãi tất cả các bên liên quan, HAWA đã xây dựng được một mô hình hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin để thực thi tất cả các giải pháp nhằm kết nối thông tin giữa các mắt xích trong chuỗi cung ứng nhằm tạo ra được một bản đồ hành trình cho gỗ nguyên liệu từ khi được khai thác ở rừng trồng trong nước cho đến khi trở thành đồ gỗ thành phẩm.

Mô hình hệ thống này đã được các chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá cao, nhận được sự ủng hộ tích cực của Tổng cục Lâm nghiệp, từ đó thuyết phục nhà tài trợ quốc tế giải ngân cho dự án để hiện thực hóa mô hình này. Dự án Xây dựng Hệ thống Giải trình Gỗ Hợp pháp của HAWA được lấy tên là HAWA DDS đã chính thức được Chương trình FAO-EU FLEGT ký duyệt vào ngày 30/4/2018 và bắt đầu triển khai từ đầu tháng 5 vừa qua.

Dự kiến thời gian thực hiện dự án sẽ kéo dài trong 30 tháng, từ tháng 5/2018 đến tháng 11/2020, theo đó nền tảng HAWA DDS sẽ được hoàn tất và thực hiện thử nghiệm trong khoảng thời gian từ tháng 1 – 6/2020, và sau đó được chính thức đưa vào sử dụng. Trong dự án này, HAWA sẽ tích hợp các giải pháp cho gỗ rừng trồng Việt Nam, bao gồm:

• Tạo cơ chế chứng nhận/công nhận gỗ hợp pháp tại thời điểm gỗ được khai thác.

• Cấp mã QR khai sinh cho lô gỗ hợp pháp.

• Sử dụng nền tảng HAWA DDS để kết nối chuỗi hành trình của gỗ từ khai thác đến thành phẩm.

So với việc cấp chứng chỉ FSC, giải pháp của HAWA DDS có rất nhiều ưu việt:

Thứ nhất, chứng chỉ FSC đòi hỏi việc duy trì liên tục từ khi trồng rừng cho đến khi khai thác nên chi phí rất lớn, và phải chờ rất lâu mới có gỗ để khai thác. Trong khi việc cấp chứng nhận/công nhận tính hợp pháp của nguồn gỗ chỉ xảy ra vào thời điểm khai thác, không tốn chi phí duy trì, do đó tiết kiệm được rất nhiều chi phí, và doanh nghiệp có thể hoàn toàn chủ động.

Thứ hai, nếu chứng chỉ FSC có lợi thế là uy tín quốc tế lớn thì cơ chế chứng nhận/công nhận mà HAWA DDS xây dựng cũng sẽ tạo ra được một vị thế và uy tín quốc tế nhất định vì những lý do sau:

1. Cơ sở pháp lý quốc tế của cơ chế chứng nhận/công nhận này chính là Hiệp định Đối tác Tự nguyện (VPA) đã được ký tắt giữa Việt Nam và EU.

2. Cơ quan cấp chứng nhận/công nhận là các tổ chức quốc tế có uy tín lớn đang hoạt động ở Việt Nam như NEPCon với chứng chỉ LegalSource, Bureau Veritas, Rain Forest Alliance…

3. Nền tảng của hệ thống HAWA DDS bao gồm các tiêu chuẩn, quy trình… sẽ được phát triển bởi tổ chức quốc tế NEPCon. Sau khi đi vào hoạt động, hàng năm sẽ có các tổ chức quốc tế đến đánh giá sự tuân thủ của hệ thống để đảm bảo sự duy trì uy tín quốc tế.

Thứ ba, việc giải trình nguồn gốc hợp pháp của gỗ sẽ không còn là bài toán phân tích đánh giá từng chứng từ một cách thủ công nữa, mà được tự động hóa bằng công nghệ thông tin, vừa cho ra kết quả nhanh, vừa có độ tin cậy và khách quan cao.

Phối hợp hiện thực hóa giải pháp

Trong quá trình phát triển ý tưởng mô hình hệ thống, HAWA đã thường xuyên có các phiên tham vấn với Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) và VRG, và các doanh nghiệp trong ngành gỗ đang sử dụng nguyên liệu gỗ cao su để xây dựng các giải pháp tháo gỡ khó khăn. Do đó có thể nói bên trong dự án đã tích hợp sẵn các giải pháp “may đo” riêng cho gỗ cao su Việt Nam. Vấn đề còn lại là làm sao các bên HAWA, VRA, VRG, và các doanh nghiệp thành viên phối hợp thật tốt để hiện thực hóa các giải pháp này.

Hiện tại, dự án HAWA DDS đang xúc tiến làm việc với VRA để xây dựng cơ chế phối hợp hoạt động đa bên: “HAWA, VRA, VRG, các doanh nghiệp chế biến gỗ, các doanh nghiệp chủ rừng, các công ty khai thác và thương mại gỗ” để triển khai thành công mô hình hệ thống.

Chúng tôi tin tưởng rằng chỉ trong vòng từ nay đến cuối năm 2019, các khó khăn của gỗ cao su sẽ cơ bản được tháo gỡ, giúp khai thông đầu ra không chỉ cho các DN thành viên VRG mà còn cả các DN chế biến gỗ xuất khẩu Việt Nam, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả kinh doanh cùng với hình ảnh và uy tín của gỗ cao su Việt Nam trên thế giới.

ĐÀO TIẾN DŨNG

(Trưởng Ban Quản lý và Phát triển Dự án HAWA DDS)