CSVNO – Tháng 6 và 7/2018, khu vực Tây Nguyên mưa liên tục, lượng mưa nhiều và dày đặc trong nhiều ngày khiến bộ lá của một số dòng vô tính nhạy cảm với mưa như VM 515, PB 235, RRIM 600… đã rụng theo mưa. Đơn vị nhiều lên đến vài ngàn ha, công ty ít cũng xấp xỉ ngàn ha. Với tình trạng này, việc hoàn thành kế hoạch sản lượng của các công ty, theo dự tính khó thực hiện được.
Nhiều vườn cây khai thác rụng lá
Theo lãnh đạo các công ty trên địa bàn Tây Nguyên, hiện nay vườn cây bị bệnh rụng lá mùa mưa đang ở mức báo động. Trong khi đó, theo dự báo tháng 8 này tình hình mưa vẫn không có dấu hiệu giảm, thậm chí có chiều hướng tăng.
Báo cáo của một số đơn vị gửi Ban QLKT VRG cho thấy vườn cây của tất cả các đơn vị đều bị nhiễm bệnh với số lượng lên đến hàng ngàn ha. Cụ thể, Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông có trên 5.000 ha bị nhiễm bệnh ở hầu hết các NT, trong đó diện tích nhiễm bệnh ở cấp độ 5 (cấp nặng nhất) là 1.342 ha;. Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum có trên 4.000 ha bị nhiễm bệnh, trong đó có hơn 546 ha nhiễm bệnh cấp 5, hầu hết rơi vào các dòng vô tính VM 515, RRIM 600 và PB 235.
Ông Trần Văn Phong – Trưởng Phòng kỹ thuật, CTCS Kon Tum, cho biết: “Đây là năm có lượng mưa nhiều, điều chưa từng xảy ra trong những năm qua. Điều này, làm cho một số dòng vô tính vốn chống chịu được với mưa dầm cũng bị nhiễm bệnh là PB 260, GT1…”.
Qua khảo sát thực tế tại 3 đơn vị là CTCS Chư Prông, Mang Yang và Kon Tum, chúng tôi nhận thấy có sự rụng lá khác nhau. Tại vườn cao su Kon Tum cây bị nhiễm bệnh nằm rải rác khắp nơi, đan xen trong các lô. Cây bị bệnh nặng do quả và lá nhiều rụng trước, vườn cây càng nhiều lá thì rụng càng nhiều và nhanh. Trong khi đó, trên vườn cây của Đội 6, NT Thanh Bình (Cao su Chư Prông) cây rụng nguyên lô, rụng đều một lần.
Nhiều CN ở NT K’Dang (Cao su Mang Yang), NT Tân Hưng (Cao su Kon Tum) và những nơi vườn cây bị nhiễm bệnh cho rằng mưa nhiều không ra lô cạo được. Lúc cạo được, thì chẳng được bao nhiêu mủ, việc thực hiện kế hoạch sản lượng trở nên khó khăn.
Cố gắng thực hiện kế hoạch
Theo tìm hiểu, trong tháng 7 hầu hết các đơn vị khai thác không đạt được kế hoạch như dự kiến, nhiều đơn vị mất trắng hàng chục ngày không lấy được mủ. Công tác thu hoạch mủ vẫn được lãnh đạo các đơn vị quán triệt chặt chẽ đến từng người công nhân trên tinh thần sẵn sàng ra lô khi tạnh mưa. Tuy vậy, công tác thu hoạch mủ cũng chỉ được 50 – 70% so với cùng kỳ năm trước.
Phó TGĐ Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê, ông Bùi Duy Đốc cho hay: “Do tình hình mưa lớn trong nhiều ngày qua nên công tác khai thác, thu hoạch mủ của công ty gặp nhiều khó khăn và sản lượng không đạt như dự kiến. Theo đó, dự kiến trong tháng 7 toàn công ty khai thác khoảng 300 tấn, tương đương 10%. Tuy nhiên, tháng 7 công ty chưa có ngày nào thu hoạch mủ trọn vẹn nên ước chỉ đạt khoảng từ 5 – 7% kế hoạch”.
Hiện nay, các đơn vị Tây Nguyên gặp nhiều khó khăn vì mủ sản xuất ra tiêu thụ khó, cùng với đó, mưa kéo dài trong nhiều ngày làm vườn cây bị bệnh rụng lá. Việc thực hiện kế hoạch sản lượng năm 2018 trở nên khó khăn hơn. Trước tình hình đó, lãnh đạo các công ty, đơn vị bám sát từng vườn cây, đôn đốc chỉ đạo các đơn vị khắc phục khó khăn, tìm những giải pháp, nỗ lực cố gắng thực hiện tốt nhất kế hoạch được giao.
VĂN VĨNH
Related posts:
- Ứng dụng quy trình phòng trị bệnh phấn trắng trên vườn cây cao su kinh doanh - hiệu quả đa mục đích
- Cao su Lộc Ninh nghiệm thu 2 đề tài nghiên cứu khoa học
- Nâng cao chất lượng sản phẩm cao su, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững
- Băn khoăn trồng xen cao su lấy gỗ - mủ trên địa bàn Tây Nguyên
- Các nhà khoa học tạo ra loại cao su bền hơn có thể cắt giảm ô nhiễm vi nhựa
- Bình Phước: Thu gom mủ tự động - sáng chế hữu ích của nhà nông Nguyễn Yên
- Tổ chức mạng lưới kiểm tra kỹ thuật thu hoạch mủ và quản lý kỹ thuật vườn cây cao su kinh doanh
- Vườn cao su Sri Lanka đối mặt với bệnh lá Pestalotiopsis
- Triển vọng xen cao su "gỗ - mủ" nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất
- “Hệ thống đánh đông tự động”: sáng kiến làm lợi đến 340 triệu đồng/năm