Con đường vòng

CSVN – Thật vậy, con đường dẫn tôi đến để trở thành công nhân cao su quả là rất dài. Mười lăm năm cầm dao cạo, mới trở thành công nhân chính thức. Có lẽ các bạn sẽ rất ngạc nhiên khi nghe điều này, nhưng sự thực là vậy các bạn ạ!
Ảnh: Lê Hữu Dũng.
Ảnh: Lê Hữu Dũng.

Năm ấy, lúc mới lấy nhau, vợ tôi nối nghiệp mẹ của mình vào làm công nhân cao su, phần tôi thì lo việc trồng cà phê trên mảnh đất riêng của gia đình. Những lúc rảnh rỗi tôi thường xuyên phụ cho vợ công việc ngoài lô.

Vào những tháng mùa gia tăng, thi đua nước rút thì không khí làm việc sôi nổi hẳn lên, lúc này tôi đã được tập trước cũng cùng cạo với vợ để giảm thời gian hầu mong tăng năng suất vườn cây. Thi đua mà! Công nhân ai cũng vậy, chỉ mong về đích sớm nhất.
Thế rồi ngày qua tháng lại, tôi đã trở thành một thợ cạo lành nghề lúc nào không hay. Nói chung tất cả công việc của người công nhân tôi đã thuộc nằm lòng. Ngày ngày dù nắng dù mưa vẫn đi đi về về trên những con đường lô quen thuộc như bao người thợ cạo thực thụ  khác.

Tôi vốn nhạy cảm, trong tâm hồn có một tí chất nghệ sĩ nên đã thực sự rung động trước cảnh đẹp quyến rũ của rừng cao su mùa lá rụng, thêm vào đó là hình ảnh cô gái trẻ đi trong buổi chiều vàng, với cảm xúc dâng trào tôi đã viết:

“Rừng thưa thấp thoáng thấy dáng ai.
Nắng chiều nghiêng đổ bóng em dài
Lá vàng trải nhẹ chân em bước
Hẹn những chồi non một sớm mai”.

Trong cái tàn tạ của rừng cây theo chu kỳ sinh trưởng vẫn toát lên nét đẹp lãng mạn và tiềm ẩn một sức sống mãnh liệt bên trong.
Cao hứng tôi lại viết tiếp:
“Xuân đã dần xa đón hạ về
Cánh rừng như chợt tỉnh cơn mê
Ngàn xanh bất tận bừng sức sống
Chim hót tự tình khúc say mê”  .

Cuộc sống vần xoay với nỗi lo cơm áo, tôi tạm cất những cảm xúc và bài thơ  ý còn dang dở của mình vào lòng…
Thời gian trôi qua từng tháng từng năm với những thăng trầm của ngành cao su. Tôi vẫn bôn ba giữa cuộc mưu sinh và vẫn gắn bó làm người hỗ trợ cho vợ. Những đêm đội đèn cùng vợ đi cạo tôi càng thấm thía với nỗi vất vả của người công nhân và cùng hòa chung niềm vui của họ khi đêm đi qua và ngày mới đến. Thành quả lao độnglà những tô mủ đầy ắp trên lô báo hiệu một ngày bội thu, nụ cười mãn nguyện trên những gương mặt còn lấm tấm những giọt mồ hôi…bỗng thấy lòng ấm áp đến lạ!
Cũng nhờ cần mẫn làm việc và gắn bó với ngành mà kinh tế gia đình cũng ổn định, con cái tôi vẫn được đến trường như bạn bè cùng trang lứa.
Những năm gần đây ngành cao su gặp khó khi giá mủ liên tục sụt giảm, một số công nhân nghỉ việc chuyển qua làm ở công ty khác trong các khu công nghiệp nên tình hình phân bổ lao động của nông trường càng khó khăn hơn. Thế là vợ lại động viên tôi nên xin vào làm công nhân cạo mủ, cũng để tiện cho việc hỗ trợ lẫn nhau, vậy là tôi đồng ý ngay.
Hợp đồng lao động với nông trường được ký kết, tôi như cá gặp nước, hăng say làm công việc được giao với tâm thế của người trong cuộc. Tâm trạng phấn chấn, hứng khởi tôi đã viết tiếp bài thơ của hơn mười năm trước:
“ Anh sẽ cùng em đến nông trường
Khơi dòng nhựa sống giữa quê hương
Đường dao sắc ngọt tay em lướt
Chia sẻ cùng anh những yêu thương”.

Giờ đây tôi mới hiểu bài thơ ngày ấy dang dở vì chỉ dừng lại ở cảm xúc và cái nhìn của người ngoài cuộc. Khi đã ý thức được  trách nhiệm của mình ở giữa tập thể này, tôi trải lòng và để cứ mặc cho cảm xúc dâng trào. Niềm vui với  công việc không kém phần vất vả và khó khăn nhưng cũng đem lại cho mình cảm giác được sống và hạnh phúc trong đại gia đình nhỏ của mình.

Và nghề đã đánh thức chất nghệ sĩ trong tôi, để tôi cũng rất mãn nguyện khi đã viết trọn bài thơ của lòng mình:
“ Ước đẫm lưng anh áo nhạt màu
Bao ngày khó nhọc thoáng qua mau
Tình cây kết chặt duyên đôi lứa
Mùa mới lại về ta có nhau…”
Con đường vòng của tôi để đến với nghề công nhân cao su là thế đó!

HƯNG NGUYỄN