CSVN – Nhằm tìm giải pháp hiệu quả cho phát triển nông nghiệp, đặc biệt là mở đường cho doanh nghiệp (DN) trong nước và nước ngoài đầu tư nhiều hơn nữa vào lĩnh vực trọng yếu này, ngày 30/7 tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), Bộ Kế hoạch và Đầu tư được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ NN&PTNT, các Bộ, cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị toàn quốc về thúc đẩy DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. TGĐ VRG Huỳnh Văn Bảo tham dự hội nghị.
Với chủ để “Thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp”, Hội nghị lần này truyền tải những điểm mới của Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 về cơ chế, chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tới cộng đồng DN; cũng như các chính sách khuyến khích hỗ trợ đầu tư vào lĩnh việc nông nghiệp vốn là lĩnh vực còn nhiều dư địa để phát triển.
Mới chỉ có 8% tổng số DN đầu tư vào nông nghiệp
Nông nghiệp là lĩnh vực đặc biệt quan trọng, tạo sự ổn định xã hội và nâng cao chất lượng sống cho người nông dân, góp phần phát triển kinh tế đất nước. Việt Nam là nước có nhiều lợi thế và tiềm năng phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp.
Tính đến cuối năm 2017, Việt Nam đã trở thành một nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới: thủy sản là ngành có giá trị xuất khẩu cao nhất, đạt 8,3 tỷ USD; tiếp đến là hạt điều với 3,516 tỷ USD; rau quả đạt 3,502 tỷ USD; cà phê với 3,24 tỷ USD, gạo đạt 2,6 tỷ USD, cao su thiên nhiên hơn 2 tỷ USD, hạt tiêu đạt 1,1 tỷ USD, sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1,03 tỷ USD…
Để đạt được những thành tựu đó, các DN đầu tư vào nông nghiệp đóng vai trò vô cùng quan trọng. Báo cáo về tình hình đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, ông Nguyễn Chí Dũng – Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cho biết, cả nước hiện có 49.600 DN đầu tư vào nông nghiệp, chiếm khoảng 8% tổng DN cả nước.
Theo số liệu thống kê, các DN đầu tư vào nông nghiệp chủ yếu ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ, chiếm 92,35%, tiếp đến là DN có quy mô lớn với 5,59% và DN có quy mô vừa với 2,06%. Các DN đầu tư vào nông nghiệp đã tạo ra hơn 4,5 triệu việc làm, chiếm 32,5% lao động của toàn bộ DN.
Tuy nhiên, những thành tựu đạt được chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Ngành nông nghiệp còn phát triển kém bền vững, sức cạnh tranh thấp, hình thức tổ chức sản xuất chậm đổi mới, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất hàng hóa; phổ biến vẫn là sản xuất nhỏ phân tán; năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng thấp.
“Các DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp có đặc thù là phụ thuộc nhiều vào yếu tố tự nhiên như thiên tai, dịch bệnh nên đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp chịu rất nhiều rủi ro so với các ngành kinh tế khác”.
Bên cạnh đó, các DN còn phản ánh gặp khó khăn ở một số vấn đề chính như: quỹ đất nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất của DN, ngành công nghiệp cơ khí hỗ trợ cho nông nghiệp ở Việt Nam còn hạn chế. Hiệu quả của hầu hết các loại hình tổ chức sản xuất, các ngành, các lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản nhìn chung chưa cao. Mức độ ứng dụng khoa học và công nghệ, liên kết chuỗi giá trị sản xuất trong nông nghiệp còn rất hạn chế, mới chỉ ở bước đầu phát triển.
Về thị trường tiêu thụ, các mô hình liên kết vẫn còn bộc lộ hạn chế do khả năng hợp tác, liên kết của người dân, DN còn yếu.
Một hạn chế khác đó là việc đa số lao động trong lĩnh vực nông nghiệp có trình độ tay nghề thấp, chủ yếu chưa qua đào tạo. Kết quả điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 cho thấy, lao động trong lĩnh vực nông lâm thủy sản chiếm tới 92,7% tổng số lao động trong lĩnh vực này. Trình độ đại học trở lên chỉ chiếm 0,46% và trình độ cao đẳng, cao đẳng nghề chỉ chiếm 0,69%.
Đặc biệt, nhiều DN phản ánh, việc đầu tư nông nghiệp còn gặp nhiều thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh bất hợp lý. Việc cắt giảm, sửa đổi các điều kiện kinh doanh vẫn mang nặng tính hình thức, chồng chéo trong quản lý, kiểm tra chuyên ngành. Tình trạng một mặt hàng phải chịu sự kiểm tra của nhiều đơn vị khác nhau cùng thuộc một Bộ đã và đang gây nhiều khó khăn cho DN.
Làm gì để “kích” DN đầu tư vào nông nghiệp?
Phát biểu tại hội nghị, một số đại biểu cho rằng, những vấn đề đặt ra hiện nay là cần có chính sách để khuyến khích dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi để các DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tiếp cận vốn. Cần lấy DN các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. Mặt khác, thúc đẩy phát triển các hợp tác xã để tạo chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; hoàn thiện hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp…
Một số DN bày tỏ mong muốn Chính phủ có chính sách thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao cho nông nghiệp; xây dựng bộ tiêu chuẩn quốc gia về nông sản để bảo vệ người tiêu dùng cũng như bảo vệ các nhà sản xuất chân chính.
Cũng có đề xuất xuất nhà nước thành lập khu kinh tế quy mô lớn cho nông nghiệp. Theo phản ánh của nhiều DN, họ gặp khó khăn về việc tìm kiếm quỹ đất và công tác giải phóng mặt bằng trong khi nhiều nông lâm trường nắm giữ quỹ đất lớn nhưng sử dụng còn kém hiệu quả.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ KH&ĐT tiếp thu các ý kiến phát biểu để hoàn thiện, trình Thủ tướng ban hành Chỉ thị về thúc đẩy đầu tư vào nông nghiệp.
Thủ tướng cho rằng, việc hoàn thiện thể chế chính sách trong lĩnh vực này là yêu cầu cấp bách khi mà nông nghiệp còn dư địa phát triển rất lớn. Hiện tại đã có nhiều tập đoàn lớn của Việt Nam quan tâm và chuyển sang đầu tư vào nông nghiệp.
Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại, bất cập khi mà số lượng DN đầu tư vào nông nghiệp mới chiếm 8%, đa phần có quy mô nhỏ, siêu nhỏ. Năng suất lao động trong nông nghiệp còn thấp. Còn một số hiện tượng như phá rừng làm cây công nghiệp, mua đi bán lại dự án nông nghiệp còn xảy ra. Khâu chế biến sâu còn nhiều vấn đề.
Nói về đất đai trong nông nghiệp, Thủ tướng cho rằng cần tính toán lại việc nhiều DN thì thiếu đất đai, trong khi nông lâm trường lại có rất nhiều, hiệu quả khai thác, sử dụng chưa tương xứng.
Thủ tướng giao các bộ ngành, cơ quan chức năng nghiên cứu đề xuất điều chỉnh chính sách thuế hợp lý nhằm khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện tốt Nghị định 57 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh thị trường tiêu thụ là vấn đề lớn khi tình trạng dư thừa bắt đầu xuất hiện.
Về ý kiến đề nghị tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, Thủ tướng cho rằng cần trao quyền cho thị trường nhiều hơn, Chính phủ chỉ đóng vai trò kiến tạo, tức là tạo điều kiện và hỗ trợ chứ không phải làm thay vai trò thị trường.
Thủ tướng kêu gọi cộng đồng DN, doanh nhân phát huy tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo, đạo đức kinh doanh, đưa các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam vươn ra biển lớn.
T.S (tổng hợp)
Related posts:
- Xuất sắc vượt sản lượng
- Ông Trần Minh giữ chức Chủ tịch HĐQT Cơ khí Cao su
- “Chất lượng đội ngũ thợ giỏi ngày càng cao”
- VRG trao tặng 300 triệu đồng xây dựng nhà tình nghĩa cho tỉnh Lào Cai
- Tiến tới Đại hội Thi đua yêu nước VRG lần V
- Cao su Việt Lào phấn đấu về trước kế hoạch từ 5 đến 10 ngày
- Tăng cường công tác tuyên truyền biển, đảo
- Đảng bộ VRG tập huấn nâng cao công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng
- Mở miệng khai thác và khánh thành nhà máy Cao su Tân Biên - Kampong Thom
- Sẽ sáp nhập 2 công ty cao su trên địa bàn Hà Tĩnh