Hạnh phúc từ màu xanh cao su

CSVN – Khi nói đến ngành cao su, biết bao nhiêu thế hệ đã gắn bó với các nông trường từ Bắc vào Nam. Họ đến đây từ lứa tuổi thanh niên nam thanh nữ tú, theo tiếng gọi của Đảng lên đường xây dựng kinh tế, và rồi khi cao su lên mầm từ hạt giống tốt, tình yêu của họ cũng bắt đầu nẩy mầm xanh theo thời gian.
Ảnh: Nguyễn Ngọc Hải.
Ảnh: Nguyễn Ngọc Hải.

Nông trường cao su Ian Nhin là một điển hình, là tiền thân của Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai ngày nay. Nông trường được thành lập từ năm 1976, từ bộ khung của nông trường cao su Thanh Hóa lúc bấy giờ đưa vào, với sự lãnh đạo của bí thư đảng ủy và giám đốc Nguyễn Hộ tiếp nhận vườn cao su cũ của Trần Lệ Xuân là một thách thức không hề nhỏ, bởi nông trường nằm giữa rừng xanh cách thị xã Pleiku hơn 30km, đường rừng gập gềnh sỏi đá, không hề có xe cộ lưu thông, chỉ được một nhóm công nhân lèo tèo, muốn phát triển thì phải có công nhân, một câu hỏi lớn “công nhân ở đâu ra” ?!

Thế mà giám đốc Nguyễn Hộ đã tìm và vận dụng mọi cách, tuyển công nhân bằng mọi hình thức, nào là cử cán bộ về từng địa phương lân cận như Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi… để tuyển dụng, nào là động viên anh em cán bộ đưa bà con dòng họ lên xây dựng nông trường… Và hiệu quả thấy rõ, chỉ trong vòng 5 năm, nông trường đã đầy ắp công nhân độc thân và có cả hộ gia đình tới lập nghiệp và làm việc, lúc này đông vui như hội, bớt đi sự hoang vắng.

Với tầng lớp công nhân độc thân, ban tổ chức đã khéo léo phân công nam nữ xen kẽ nhau đưa về từng đội sản xuất. Và thế là ngoài tình yêu nông trường ra, còn có những tình yêu đôi lứa nảy nở, hình thành một tương lai mới nơi đất bazan. Tôi còn nhớ như in đám cưới của hai cặp đôi giữa anh Trí và chị Điển, và lại một anh Trí khác kết hôn với chị Vân cùng lúc, được ông đội trưởng đội sản xuất số 5- Nguyễn Văn Định – chủ trì buổi lễ thành hôn với vài ấm trà và mấy túi kẹo, vài chục công nhân ngồi xung quanh vỗ tay mừng hai cặp đôi uyên ương mới giữa bạc ngàn cao su xanh um non tơ.  Vào một buổi chiều cuối mùa mưa năm 1981, đơn sơ chỉ có vậy, không áo mới lụa là, cô dâu chỉ mặc trên mình mỗi chiếc áo công nhân màu xanh mới cấp, không xe đưa đón, không một bó hoa nào, không hề có một phần quà nào mừng đám cưới cả, nghĩ lại cũng thật buồn so với hôm nay.

Và sau này cứ lần lượt, trai gái tìm hiểu nhau và tổ chức đám cưới rần rần. Anh Thái Trọng An – giáo viên cấp 2 kết hôn với chị Nguyễn Thị Biên, con của một gia đình từ xứ Nghệ vào lập nghiệp, anh chị đã sinh ra hai người con, đến nay đã làm sui và có cháu nội ngoại kế tiếp, thật hạnh phúc vô cùng. Hiện nay anh là cán bộ của UBND huyện Chư Păh. Hoặc ví như anh Trọng vào nông trường năm 1976, sau đó anh đi bộ đội chiến đấu ở Campuchia, sau ngày ra quân anh về lại nông trường kết hôn với chị Trần Thị Hay, sinh ra hai người con trai. Vâng! Hạnh phúc cứ lan tỏa ngập tràn nơi xứ mới!

Cứ như thế, Ia Nhin theo thời gian không còn là lèo tèo một nhóm công nhân như thuở ban đầu, mà trở thành một thị trấn nhỏ, với số lượng người khá đông, cả ngàn người đang sinh sống nơi ấy.

Ngay bây giờ, ai đi ngang qua nông trường cao su Ia Nhin cũng thấy rõ sự phát triển phồn vinh hơn sự tưởng tượng, một con đường nhựa nối dài từ ngã ba huyện chạy vào tới thác Yaly, xe cộ chạy hà rầm, hai bên đường là nhà cao cửa rộng, có cả biệt thự cao cấp… Tất cả là nhờ cao su, cà phê từ nông trường Ia Nhin mà nên.

Hạnh phúc lứa đôi cái thuở thời bao cấp khó khăn ấy tưởng chừng như lụn tàn, nhưng không, hạnh phúc nhỏ nhoi ấy đã vượt lên từ mảnh đất cao su xa xôi, để rồi nhân lên những hạnh phúc thế hệ sau. Vâng! Ia Nhin ngày nay nhìn đầy sức sống của màu xanh cao su.

                                                                                          NGUYỄN VĂN DŨNG (TP. HCM)