CSVN – Đào tạo, đạo tạo lại, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ là điều rất cần thiết để đáp ứng với yêu cầu ngày càng cao trong công việc. Tuy nhiên, các chương trình tập huấn, đào tạo có đem lại hiệu quả cao hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, trong đó, cần đổi mới về hình thức tập huấn để đạt chất lượng hơn.
Mỗi năm nếu tính sơ sơ mỗi doanh nghiệp cũng có đôi ba lần tập huấn, nào là an toàn vệ sinh lao động, phòng cháy chữa cháy hay tập huấn về kỹ năng lãnh đạo, nói chuyện trước công chúng… Nhưng tập huấn là một chuyện, đến khi thực tế thì số lượng đã “kinh qua” các buổi tập huấn ứng dụng vào thực tiễn thì đếm trên đầu ngón tay, còn hầu như vẫn cứng nhắc, không linh động.
Phải chăng, vấn đề đặt ra là chất lượng của các đợt sinh hoạt chuyên đề, tập huấn chưa thực sự thu hút người tham gia. Mục tiêu của các buổi đào tạo, tập huấn là rất tốt, có ý nghĩa nhưng thực tế vẫn có nhiều điều đáng suy ngẫm.
Có những khi diễn giả là những người nổi tiếng, có địa vị xã hội, có chức sắc nhưng vẫn không thể thu hút được sự quan tâm của người nghe. Trên bục diễn giả cứ nói, học viên đa số bấm điện thoại, chơi game, lướt facebook và …ngủ gật. Tìm hiểu thì được biết nguyên nhân là bởi cách truyền đạt nhàm chán, tài liệu đóng thành tập dày, ở trên cứ trình chiếu slide y như trong tài liệu đã phát sẵn, giọng giảng viên đều đều, không hấp dẫn.
Phải đổi mới phương pháp tập huấn, phương pháp truyền đạt mới đủ các thuyết phục người nghe. Một khóa đào tạo ngắn hạn, một ngày tập huấn thành công là khi người nghe cùng tham gia tranh luận, cùng phản biện, trao đổi các vấn đề trong thực tế với giáo viên. Là khi họ thấy hứng thú và muốn buổi tập huấn kéo dài chứ không phải là tiếng vỗ tay khi nghe giảng viên thông báo kết thúc giờ.
Cứ thực tế, cứ đưa ra các tình huống, người nghe phải phản biện, học thuyết trình phải lên thuyết trình, lớp học phải sôi động thì kiến thức mới lôi cuốn. Thực ra đã có nhiều doanh nghiệp tổ chức được những lớp như vậy. Từ một từ khóa giảng viên đưa ra, các nhóm thảo luận cùng đưa ra các ý tưởng hiện thực hóa, thể hiện chiến lược của nhóm mình.
Đào tạo, tập huấn cần lắm sự đổi mới trong cách thức truyền đạt, cần lắm những trao đổi thẳng thắn mà chính người đứng lớp hoặc người đứng đầu doanh nghiệp “gợi mở” cho người tham gia thoải mái. Có như vậy mới đạt được mục tiêu như ban đầu đề ra.
HÀ KHUÊ
Related posts:
- Quà Tết đến với công nhân Cao su Hà Giang
- CĐ Cao su Đồng Nai: Nhiều hoạt động chăm lo cho người lao động
- “Tháng Công nhân” năm 2014: Hơn 9,7 tỷ đồng chăm lo cho CBCNV-LĐ
- Tổng Liên đoàn LĐVN chỉ đạo chăm lo Tết Bính Thân cho người lao động
- "Vườn rau sạch gia đình" ở công đoàn cao su Chư Prông
- Công đoàn Cao su VN trao 452 suất học bổng “Học giỏi – vượt khó”
- Ai cũng có Tết
- Xét tặng giải thưởng Cao su Việt Nam năm 2016
- Cao su Điện Biên: Khen thưởng 4 tập thể, 14 cá nhân trong phong trào thi đua nước rút
- Công đoàn Gỗ Thuận An dẫn đầu khối chế biến gỗ