CSVNO – Đây là ý kiến của Chủ tịch HĐQT VRG Trần Ngọc Thuận trong buổi làm việc với đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc Quốc hội về tình hình quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông lâm trường do ông Nguyễn Lâm Thành – Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội làm trưởng đoàn, ngày 8/8.
Theo ông Thuận, Tập đoàn là đơn vị thuê đất nhà nước để phát triển kinh tế, việc thu hồi đất của địa phương Tập đoàn luôn sẵn sàng nhưng nên xem xét có mức đền bù hợp lý, hài hòa để doanh nghiệp có điều kiện đảm bảo sản xuất kinh doanh. VRG luôn sẵn sàng nhận thêm đất theo quy định của nhà nước để tiếp tục mở rộng cao su, hỗ trợ cho người dân có cuộc sống tốt hơn.
VRG hiện quản lý 20 công ty TNHH MTV, 4 đơn vị sự nghiệp, 79 công ty do Tập đoàn và các đơn vị thành viên giữ cổ phần và 21 công ty liên kết. Trong đó có 20 công ty TNHH MTV cao su và 6 công ty cổ phần cao su đang quản lý sử dụng đất có nguồn gốc nông lâm trường với tổng diện tích quản lý sử dụng là 292.407 ha.
Theo tinh thần Nghị quyết 112/2015/QH13 của Quốc hội và các văn bản triển khai của Chính phủ, các Bộ Ngành, Tập đoàn đã tích cực chỉ đạo các đơn vị thành viên đang quản lý sử dụng đất có nguồn gốc nông lâm trường trong các hội nghị toàn ngành của Tập đoàn. Đây được xem là nội dung, nhiệm vụ quan trọng cần nghiêm túc thực hiện để tăng cường công tác quản lý, sử dụng tài nguyên đất có hiệu quả.
Chủ tịch HĐQT VRG Trần Ngọc Thuận nhận định “Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị định 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ về sắp xếp Nông lâm trường đối với ngành cao su là rất có hiệu quả, công tác quản lý đất đai đối với doanh nghiệp cao su tốt hơn. Điều này cho thấy chủ trương của Đảng, Nhà nước là đúng đắn. Hi vọng những chủ trương, chính sách mới ra đời sẽ tiếp tục tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp, người dân phát triển”.
Ông Nguyễn Lâm Thành – Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội đánh giá cao tinh thần và trách nhiệm của Tập đoàn trong quá trình thực hiện Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ Chính trị. “Hoạt động của Tập đoàn những năm qua đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội của các địa phương, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước đang tiến hành liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số, liên quan đến công tác bảo vệ an ninh quốc phòng”, ông Thành nhận xét.
Tại buổi làm việc, VRG cũng đã nêu ra một số đề xuất, kiến nghị: Chính quyền địa phương cần phối hợp, tạo điều kiện cho các đơn vị hoàn thiện hồ sơ pháp lý đất đai; được chuyển đổi cây trồng đối với các vùng đất không phù hợp trồng cao su để tăng hiệu quả sử dụng đất; các địa phương hạn chế thu hồi đất cao su để chuyển mục đích sử dụng; tiếp nhận đất bàn giao về địa phương theo phương án sử dụng đất được phê duyệt theo lộ trình phù hợp và quy định của luật đất đai.
ĐÀO PHONG
Related posts:
- Cao su Chư Păh đối thoại với người lao động
- Đầm ấm “Tết sum vầy” 2020 ở Cao su Sa Thầy
- Khối Tây Nguyên 2: Dự kiến xây dựng 2 nhà Đại đoàn kết
- Trên 98% sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu
- Cao su Chư Mom Ray và Sa Thầy tổng kết quy chế phối hợp với Công an tỉnh Kon Tum
- Đảng bộ NT An Lộc: Tổ chức Đại hội điểm của Đảng bộ TCT CS Đồng Nai
- Cao su Mang Yang K: Sẽ mở mới trên 1.247 ha cao su
- Thu nhập người lao động Cao su Đồng Phú trên 11,2 triệu đồng/người/tháng
- Thiếu công nhân tại Campuchia: Giải pháp nào tháo gỡ?
- Phối hợp tuyên truyền, vận động người dân tham gia sản xuất và thu hoạch mủ cao su