CSVN – Hơn 1 tháng trước, giá cao su ở mức 34 – 35 triệu đồng/tấn, đến nay, giá giảm chỉ còn 30 triệu đồng. Với mức giá đó, các doanh nghiệp cao su gặp khó khăn. Tuy nhiên, với các hộ tiểu điền, nhờ tiết giảm chi phí, duy trì chăm sóc hợp lý, điều tiết chế độ cạo, nên vẫn đảm bảo thu nhập.
Vẫn duy trì chăm sóc vườn cây
Bà Trần Thị Miền – ngụ ấp 1, xã Tân Bình, huyện Bắc Tân Uyên, có 4 ha cao su 17 năm tuổi đang khai thác. Đầu mùa cạo 2018, giá cao su ở mức 280 – 290 đồng/ độ tương đương 12.000 đồng/kg, đến nay chỉ còn 240 đồng/ độ tương đương 10.000 đồng/ kg. Mỗi ha cao su thu được khoảng 60 kg trong 1 lần cạo. Với chế độ cạo D2, mỗi tháng thu được 900 kg bán được 9 triệu đồng. Giá mủ giảm, mỗi ha thu nhập mỗi tháng giảm gần 2 triệu đồng nhưng trừ công cạo và các chi phí khác, bà vẫn thu lời 5 triệu đồng/ ha.
Thời gian trước, giá mủ xuống thấp, một số hộ trồng hoang mang, chặt bỏ, thanh lý vườn cây. Bà Miền vẫn kiên trì giữ lấy vườn cây vì theo bà dù giá có xuống thấp nhưng 4 ha cao su vẫn giúp gia đình bà có nguồn thu ổn định, đảm bảo cuộc sống.
Xác định vườn cây là nguồn thu chính nên mỗi năm bà đều chú trọng chăm sóc, làm cỏ, thổi lá, bón phân đều đặn 2 lần với những loại phân có nhiều vi lượng, khoáng chất để tăng sức đề kháng, độ cứng cho cây nhằm hạn chế gãy đổ.
Còn ông Nguyễn Văn Cành – ngụ ấp Suối Tre, xã Tân Bình, có 4 ha cao su từ 12 – 15 năm tuổi đang khai thác. Hiện giá mủ thấp nhưng ông vẫn đầu tư, chăm sóc, bón phân bình thường. Ông cho biết, mỗi năm tốn khoảng 20 triệu đồng phân bón cho 4 ha cao su. Với giá mủ hiện tại, 4 ha thu được 3,5 tấn mủ, tiền công cạo từ 300 – 600 đồng/cây, sau khi trừ mọi chi phí, mỗi tháng ông vẫn có lợi nhuận hơn 25 triệu đồng.
“Mặc dù giá mủ xuống thấp nhưng so với các loại cây trồng khác thì vẫn hơn nhiều, chỉ là tiền lời ít đi. Với giá đó thì gia đình tôi vẫn đảm bảo kinh tế nên tôi luôn duy trì chăm sóc vườn cây để tiếp tục khai thác lâu dài”, ông Cành chia sẻ.
Khai thác hợp lý
Giá mủ xuống thấp trong khi tiền nhân công lại tăng, nhiều hộ trồng cao su đã cố gắng tận thu các loại mủ và tìm nhiều biện pháp để tăng thêm lợi nhuận.
Với bà Trần Thị Miền, hiện có 1 ha kiến thiết cơ bản đang trồng xen mướp để kiếm thêm thu nhập. Bà cho hay, trước đây gia đình trồng xen cây mì nhưng không hiệu quả, hơn nữa việc trồng xen cây mì trong vườn cao su non dẫn đến đất bị bạc màu, khô cằn, chứa nhiều nấm bệnh gây hại, ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, hiệu quả của cây cao su.
Còn với ông Nguyễn Văn Cành, nếu giá mủ tiếp tục giảm, ông sẽ chuyển chế độ cạo để giảm công lao động, tiết giảm chi phí, cho vườn cây có thời gian phục hồi, tăng độ mủ và ít hao vỏ cạo hơn.
Mặc dù không còn trong thời kỳ đỉnh cao nhưng cao su vẫn là một trong những loại cây nông nghiệp có hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân thoát nghèo, có thu nhập ổn định. Vì vậy, với các hộ tiểu điền thì lợi nhuận có giảm đi nhưng gia đình họ vẫn sống ổn với thu nhập hiện tại mà cây cao su mang lại. Vì vậy, họ không thanh lý hay đốn bỏ, chuyển đổi cây trồng mà vẫn gắn bó và quyết chăm sóc, giữ gìn vườn cây.
ĐÀO PHONG
Related posts:
- Các đơn vị khu vực Campuchia: Ra quân khai thác sớm, dự báo một năm khởi sắc
- Sáng kiến dùng lưỡi lam máy cắt cỏ chế tạo nhiều dụng cụ, mang lại hiệu quả cao
- Trung tâm Nghiên cứu Phát triển giống cao su thực hiện thắng lợi kế hoạch đề ra
- Cao su Phước Hòa sôi nổi ngày hội "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc"
- Cao su Sa Thầy tổ chức gặp mặt nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Cao su Bà Rịa, Cao su Bình Thuận: Thực hiện hiệu quả nhiều giải pháp để hoàn thành kế hoạch sản lượn...
- Cao su Dầu Tiếng phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm 2024
- 40 năm cây cao su thay đổi những bản làng
- Đổi mới để sản xuất sản phẩm tốt nhất cho thị trường
- Cao su Quảng Trị xứng danh Anh hùng Lao động