Tái sử dụng nước thải tiết giảm 1 tỷ đồng/năm

CSVN – Với sáng kiến “Công nghệ xử lý nước thải cao su thiên nhiên bằng phương pháp sinh học không sử dụng hóa chất và tái sử dụng nước thải cho sản xuất”, Nhà máy Chế biến Trung tâm (Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng) đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, giảm chi phí sản xuất và bảo vệ môi trường. Sáng kiến đạt giải nhì tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Phước lần thứ IV (2016 – 2017).
80% nước thải sau khi xử lý được bơm lên hệ thống lọc cơ lý trước khi lưu trữ tại bể chứa để sử dụng cho sản xuất.
80% nước thải sau khi xử lý được bơm lên hệ thống lọc cơ lý trước khi lưu trữ tại bể chứa để sử dụng cho sản xuất.
Xử lý nước thải không sử dụng hóa chất

Sáng kiến “Công nghệ xử lý nước thải cao su thiên nhiên bằng phương pháp sinh học không sử dụng hóa chất và tái sử dụng nước thải cho sản xuất” của nhóm tác giả: Lê Thanh Tú, Nguyễn Văn Minh, Phạm Văn Hoàng, Nguyễn Quốc Toàn. Sáng kiến bắt đầu nghiên cứu từ tháng 1/2015 và áp dụng chính thức vào tháng 1/2016 tại Nhà máy Chế biến Trung tâm.

Trên thực tế đa số công nghệ xử lý nước thải của các nhà máy chế biến cao su thiên nhiên khác là có sử dụng hóa chất (như phèn, PAC, polyme..), thì sáng kiến này không sử dụng hóa chất trong xử lý nước thải nên giảm chi phí vận hành và an toàn cho người vận hành hệ thống nước thải.

Ông Phạm Văn Hoàng – Giám đốc Nhà máy Chế biến Trung tâm, cho biết: “Đặc điểm của công nghệ này là thêm vào trước vùng hiếu khí của Aerotank một vùng thiếu khí và nước thải sẽ được cấp vào vùng này. Nước thải khi được đưa vào vùng thiếu khí sẽ hòa trộn với bùn hoạt tính được đưa từ vùng phục hồi bùn hoạt tính sang. Trong điều kiện thiếu khí thì các vi sinh vật có trong bùn hoạt tính sẽ thực hiện quá trình khử nitrat để loại bỏ bớt Nitơ tổng trong nước thải. Nước thải sau khi đi qua vùng thiếu khí để loại bỏ bớt Nitơ tổng sẽ được chảy tới vùng hiếu khí để xử lý các chỉ tiêu COD, BOD của nước thải. Nước thải sau khi được xử lý sẽ chảy qua bể lắng để tách bùn vi sinh ra. Bùn vi sinh từ bể lắng sẽ được hoàn lưu trở lại vùng phục hồi bùn hoạt tính của hệ thống”.

Sáng kiến đã xử lý nước thải đạt cột A, QCVN 01-MT:2015/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải sơ chế cao su thiên nhiên và tái sử dụng nước trong sản xuất để tăng hiệu quả kinh tế cho công ty, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và hướng đến phát triển bền vững.

Tái sử sụng được nước thải sau xử lý

Sáng kiến trên giúp Cao su Phú Riềng tiết giảm được chi phí, nhờ tái sử dụng được nước thải cho sản xuất, nên giảm chi phí trong việc sử dụng nước. Từ khi áp dụng giải pháp công nghệ xử lý nước thải trên Nhà máy Chế biến Trung Tâm tiết kiệm hơn 210.000 m3 nước mỗi năm, mang lại lợi ích kinh tế thiết thực cho công ty. Theo tính toán, với đơn giá nước 1.000 đồng/m3 ­thì mỗi năm trung bình nhà máy có thể tiết kiệm hơn 210 triệu đồng.

Ngoài ra, tiết kiệm điện mỗi năm cho nhà máy hơn 150.000 Kw. Nếu lấy đơn giá điện trung bình 2.400 đồng/Kw ­thì mỗi năm trung bình nhà máy có thể tiết kiệm hơn 360 triệu đồng. Ngoài ra giải pháp công nghệ không sử dụng hóa chất nên sẽ giảm đáng kể chi phí vận hành và an toàn về hóa chất hơn cho người vận hành hệ thống nước thải. Bình quân, mỗi năm sáng kiến góp phần tiết kiệm gần 1 tỷ đồng cho nhà máy chế biến.

Sau khi áp dụng sáng kiến, Nhà máy Chế biến Cao su Trung Tâm đã giảm chi phí giá thành sản phẩm và nâng cao hình ảnh Cao su Phú Riềng, vì đã quan tâm tích cực đến việc bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên nước. Giải pháp công nghệ này có thể áp dụng để xử lý nước thải cho các nhà máy chế biến thuộc ngành cao su nói chung và VRG nói riêng.

TUỆ LINH