CSVN – Lũ quét qua để lại bao ngổn ngang, nhưng ta vẫn vững tin vào ngày mai – nơi ấy cây cao su tiếp tục tạo tán vươn cành, miệt mài cho dòng nhựa trắng. Và những giọt nước mắt, mồ hôi của hôm nay sẽ là nền tảng vững chắc cho thế hệ mai sau có một cuộc sống ấm no.
Những ngày cuối tháng sáu khi hàng triệu triệu người “thức đêm” hướng về những trận cầu nghẹt thở theo trái bóng lăn mùa Wordl Cup cũng là thời điểm lũ ống, lũ quyét, sạt lở kinh hoàng bởi thiên tai, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của người dân vùng Tây Bắc. Nhiều bản làng bị cô lập, biết bao người “trắng đêm” vật lộn với mưa lũ, phải chịu cảnh màn trời chiếu đất, các tuyến đường giao thông bị đất đá sạt lở vùi lấp, vợ mất chồng, con mất cha …tan hoang trong vùng mưa lũ.
Thông tin từ TCCS VN (số 510 ra ngày 1/7/2018), hơn 5.000 cây cao su bị gãy đổ, trong đó nặng nề nhất là mưa lớn gây sạt lở mất trắng hơn 2.000 cây cao su đã đến kỳ cho những dòng nhựa trắng của niềm tin và hy vọng…
Tự dưng tôi thấy cay xè trong sống mũi và mắt nhòe đi. Trong bao miên man suy nghĩ, bất chợt ký ức về những hình ảnh đẹp đẽ lung linh của “Nắng ấm Sìn Hồ” (Phóng sự của Nguyễn Xuân Cảm – Cao su Chăn Nưa 4, Công ty CS Lai Châu 2) trong số báo ra ngày 16/10/2014 ùa về như một kỷ niệm đẹp, tinh khôi về nghề nghiệp của người công nhân cao su: “Chỉ vài năm nữa thôi, khi những cây cao su đầu tiên bắt đầu cho mủ thì một Sìn Hồ chỉ có trong mơ sẽ trở thành hiện thực. Đâu đó hai bên đường, những pa nô tuyên truyền mang dòng chữ: Huyện Sìn Hồ quyết tâm phấn đấu trồng 15.000ha cao su vào năm 2015 – càng thể hiện rõ tinh thần và quyết tâm của huyện nhà. Còn tôi, hàng ngày đi lại trên đồi, trong vườn cây cao su, nhìn ngắm những cây cao su căng tràn nhựa sống mà lòng phơi phới niềm vui.”.
Không vui sao được khi trải qua muôn vàn khó khăn để cây cao su định hình trên vùng đất khó và niềm tin được củng cố vững chắc trong lòng người dân bản địa khi cây cao su bắt đầu cho mủ. Tất cả được minh chứng qua nụ cười rạng rỡ của cô công nhân người Mông gùi con trên lưng vun trồng, chăm sóc cây cao su, mồ hôi nhễ nhại mà khuôn mặt vẫn ánh lên nụ cười rạng rỡ…
Trong miên man về một cuộc sống tươi mới là hình ảnh tan hoang khi lũ quyét đi qua vùng Tây Bắc xa xôi. Từng thùng nhu yếu phẩm của các tổ chức, cá nhân được chuyển về; các máy chuyên dụng khẩn trương thông tuyến tiếp cận những bản làng bị cô lập; từng suất quà của VRG đã kịp thời trao tay chia sẻ nỗi khó khăn của người dân vùng tâm lũ…
Dẫu rằng có thể sau một đêm kinh hoàng hàng chục nóc nhà bị xóa sổ do sạt lở, lũ quyét… nhưng niềm tin về một loại cây, một hướng đi đã chọn vẫn còn vẹn nguyên trong người dân góp đất trồng cao su ở dãi đất biên cương của Tổ quốc. Đâu đó hình ảnh “Có anh công nhân người Mông Lý A Sì đã ôm những cây cao su bị gãy vì gió lốc khóc nức nở như thể mình vừa mất đi một điều gì đó đã quá thiêng liêng, thân thiết” là kết quả tất yếu của chất keo gắn kết giữa cây với người…
Lũ quét qua để lại bao ngổn ngang, nhưng ta vẫn vững tin vào ngày mai – nơi ấy cây cao su tiếp tục tạo tán vươn cành, miệt mài cho dòng nhựa trắng. Và những giọt nước mắt, mồ hôi của hôm nay sẽ là nền tảng vững chắc cho thế hệ mai sau có một cuộc sống ấm no. Ngày mai, từng giọt nhựa trắng vẫn rơi đều tý tách như những thanh âm tốt đẹp của bao hy vọng tinh khôi về một giấc mơ đổi đời có thật. Sẽ không còn cảnh người dân gùi con lên nương trồng ngô, trồng sắn, quần quật, lam lũ quanh năm mà vẫn nơm nớp lo đói ăn. Và ngày mai, nơi ấy vẫn xôn xao – Nắng ấm Sìn Hồ!
KHÔI NGUYÊN
Related posts:
- Y tế ngành cao su tích cực phòng chống dịch bệnh viêm phổi cấp
- Lai Châu 2 thắng Lai Châu 2-0, vô địch môn bóng đá mini (clip 2)
- Lợi cả đôi đường
- Bóng chuyền nữ Tập đoàn Cao su - Bình Phước gặp nhiều đối thủ mạnh
- Phát hiện một trái đạn trong lô
- Màu xanh hy vọng
- Cao su Chư Sê: 84% công nhân trực tiếp được biểu dương
- Hội thi Bàn tay vàng Cao su Chư Sê: Vinh danh những thợ giỏi đồng bào dân tộc thiểu số
- "Các đơn vị miền núi phía Bắc cần bám sát kế hoạch, tổ chức sản xuất kinh doanh ngay từ đầu năm"
- Tiếng hát từ vườn cây