CSVN – “Cơ hội từ CPTPP và kế hoạch hành động vì ngành cao su bền vững” là chủ đề của hội thảo do Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) tổ chức trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế lần thứ 6 chuyên ngành công nghiệp cao su và sản xuất săm lốp xe (Rubber & Tyre Vietnam 2018) tại TP.HCM ngày 14/6, được nhiều doanh nghiệp quan tâm.

CPTPP – Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương là Hiệp định thương mại tự do (FTA) lớn nhất với 11 nước tham gia ký kết gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.
Hội thảo nhằm hỗ trợ hội viên, doanh nghiệp ngành cao su nắm vững các quy tắc và thủ tục chứng nhận xuất xứ trong CPTPP để tận dụng hiệu quả các ưu đãi thuế quan cũng như hiểu thêm cách thức thực hiện phát triển bền vững để đáp ứng yêu cầu của khách hàng, đồng thời lắng nghe chia sẻ từ doanh nghiệp đầu ngành về các hoạt động xây dựng thương hiệu gắn liền với bền vững.
Tại buổi hội thảo, các đại biểu được nghe ông Trần Ngọc Bình – Phó Trưởng phòng Quản lý XNK khu vực TP.HCM, Cục XNK, Bộ Công Thương trình bày những Quy tắc và thủ tục chứng nhận xuất xứ trong CPTPP đối với cao su; TS.Trần Thị Thúy Hoa – Trưởng ban Tư vấn phát triển ngành cao su VRA trình bày những nội dung liên quan đến thúc đẩy phát triển bền vững chuỗi cung ứng cao su thiên nhiên, đại diện VRG trình bày nội dung Thương hiệu Cao su thiên nhiên VRG – hướng đến phát triển bền vững.

Ông Trần Ngọc Bình – Phó Trưởng phòng Quản lý XNK khu vực TP.HCM, Cục XNK, Bộ Công Thương cho biết, quy tắc xuất xứ trong CPTPP là hàng hóa phải có xuất xứ (a) Thu được toàn bộ hoặc được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của một hoặc nhiều bên như quy định tại Điều 3.3 (Hàng hóa được sản xuất hoặc thu được toàn bộ); (b) Được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của một hoặc nhiều bên, toàn bộ từ các nguyên phụ liệu có xuất xứ hoặc (c) Được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của một hoặc nhiều bên sử dụng nguyên phụ liệu không có xuất xứ với điều kiện hàng hóa thỏa mãn các quy tắc của phụ lục 3 -D (Quy tắc xuất xứ cụ thể mặt hàng); và hàng hóa thỏa mãn tất cả các quy định khác của chương 3 CPTPP.
Hiệp định CPTPP là một hiệp định thương mại tự do lớn nhất với tiêu chuẩn cao và sẽ có tác động mạnh mẽ tới toàn bộ nền kinh tế, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các công ty ngành cao su nói riêng trong thời gian tới. Theo ông Võ Hoàng An, Phó Chủ tịch VRA, thì xu thế phát triển bền vững đã và đang trở nên phổ biến, là xu thế chung của thế giới. Đối với ngành cao su thì đây là một lộ trình dài cần sự nỗ lực của các đơn vị, tổ chức để hướng đến sản xuất phát triển cao su bền vững.
MINH TÂM
Related posts:
Khen thưởng phải hướng về công nhân
VRG quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2022
Cao su Nghệ An bị ảnh hưởng nặng bởi mưa lũ
Hiệp định VPA/FLEGT: Thúc đẩy thương mại gỗ và sản phẩm gỗ vào thị trường EU
Cao su Đồng Nai - Kratie: Quyết đạt và vượt sản lượng 5.200 tấn
Cao su Phú Riềng có 26 thí sinh đạt danh hiệu kiện tướng thu hoạch mủ
Dầu Tiếng: Nông trường thứ 2 về trước kế hoạch
Cao su Đồng Nai phấn đấu thu nhập bình quân 9 triệu đồng/người/tháng
Cao su Đồng Phú có hiệu quả sản xuất kinh doanh nổi bật
Trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su khai giảng năm học 2019-2020