Cảnh báo bệnh nấm hồng trên vườn cao su

CSVNO – Bệnh nấm hồng do nấm Corticium salmonicolor Berk. & Br gây hại cho cây cao su từ 3-12 năm tuổi và nặng nhất ở giai đoạn 4-8 tuổi.

>> Cảnh báo bệnh hại mặt cạo cao su mùa mưa

Biểu hiện bệnh nấm hồng nặng.
Biểu hiện bệnh nấm hồng nặng.

Nấm tấn công thân cành có vỏ đã hóa nâu. Trong điều kiện nước ta bệnh, xuất hiện trong mùa mưa từ tháng 6-11 hàng năm, tập trung vào hai cao điểm: tháng 7 (vết bệnh cũ) và tháng 10 (vết bệnh mới). Nấm thường gây hại trên cùng một vị trí cho đến khi cành hoặc tán cây bị chết, cây không có khả năng phục hồi và không thể khai thác sau này, làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh vườn cây trong suốt chu kỳ kinh tế.

Biểu hiện bệnh nấm hồng nhẹ.
Biểu hiện bệnh nấm hồng nhẹ.

Hiện nay, sau một thời gian mưa đều, bệnh nấm hồng đã bắt đầu xuất hiện và gây hại vườn cây. Trước tình hình trên VRG đã có công văn đề nghị các Công ty thực hiện các công việc sau:

–  Thường xuyên kiểm tra vườn cây, để phát hiện bệnh sớm và kịp thời phòng trị bệnh nhằm giảm bớt thiệt hại và hạn chế lây lan.  Cần lưu ý các vườn cây cao su ở giai đoạn 3-12 năm tuổi và đặc biệt vườn ở giai đoạn 4-8 tuổi

–  Xử lý phun trị: áp dụng theo điều 174 Quy trình Kỹ thuật cây cao su 2012

–       Chỉ phun trị cây bệnh, không phun phòng cây chưa bệnh

–       Dùng một trong các loại thuốc: validamycin (Vivadamy 5SL, Validacin 5L, Vanicide 5SL…) nồng độ 1,0-1,5%; hexaconazole (Hexin 5SC, Vivil 5SC, Saizol 5SC, Anvil 5SC…) nồng độ 0,5%. Các loại thuốc trên cần pha phối hợp với chất bám dính BDNH 2000 nồng độ 1,0% để tăng hiệu quả trị bệnh.

–       Sử dụng bình phun đeo vai có vòi nối dài phun thuốc ướt đẫm, phủ kín vết bệnh và phần vỏ 20 cm trên và dưới vết bệnh, với chu kỳ 10 – 14 ngày/lần cho đến khi khỏi bệnh. Lượng thuốc đã pha sử dụng cho một vết bệnh/lần phun khoảng 0,3 – 0,7 lít tùy độ lớn vết bệnh và mức độ bệnh. Sau khi phun, phải kiểm tra, đánh dấu cây bệnh để xử lý lại nếu bệnh chưa khỏi.

NGUYỄN ANH NGHĨA

(Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam)