Doanh nghiệp với chuyện khủng hoảng truyền thông

CSVN – Bất kỳ doanh nghiệp (DN) nào, dù thành công ở mức lớn hay nhỏ đều có khả năng bị cạnh tranh lành mạnh lẫn không lành mạnh, trong đó không tránh khỏi bị tung tin “bẩn”, tin “giả” để phá hoại, dẫn đến khủng hoảng truyền thông.
Vấn đề xử lý khủng hoảng truyền thông hiện nay trở nên cực kỳ quan trọng, nhất là đối với những DN đã niêm yết CP lên sàn chứng khoán
Vấn đề xử lý khủng hoảng truyền thông hiện nay trở nên cực kỳ quan trọng, nhất là đối với những DN đã niêm yết CP lên sàn chứng khoán.

Các cách thức phát tán tin “bẩn”, tin “giả” với DN phổ biến như: Đối thủ cạnh tranh tung tin thất thiệt để tấn công phía bên kia, bôi xấu về những sự cố đã từng xảy ra và khi một sự cố vừa xảy ra thì họ sẽ tìm mọi cách phát tán, lan truyền nhanh rộng. Hay những tin hoàn toàn không có thật liên quan đến kinh doanh, đến quan hệ cá nhân của lãnh đạo DN, vấn đề bằng cấp, đầu tư mờ ám, đến nguồn tiền bất hợp pháp…

Hệ lụy và hậu quả của kiểu tin “giả”, tin “bẩn” như vậy rất khó lường. Ví như khi tin đồn liên quan đến các nhân vật cao cấp trong DN bị bắt bớ, khởi tố…, lập tức nhà đầu tư sẽ bán tháo cổ phiếu (CP), giá CP cũng sẽ lao dốc không phanh, khiến DN thiệt hại rất lớn.

Vấn đề xử lý khủng hoảng truyền thông hiện nay trở nên cực kỳ quan trọng, nhất là đối với những DN đã niêm yết CP lên sàn chứng khoán, có thể khiến DN lao đao, thậm chí phá sản.

Vậy DN cần ứng xử như thế nào và có giải pháp gì để ngăn chặn và hạn chế tối đa khủng hoảng truyền thông?

Thực tế thời gian qua cho thấy, rất nhiều DN tỏ ra lúng túng khi phải đối phó với khủng hoảng truyền thông, nhất là những DN không có đội xử lý truyền thông chuyên nghiệp. Cũng có DN tỏ ra chủ quan, chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của công tác truyền thông DN.

Vì vậy, khi xảy ra khủng hoảng, các DN thường hoảng hốt, vội vã đưa ra những phản ứng thiếu cân nhắc, nên việc phản bác và xử lý không hiệu quả, thậm chí dẫn đến khủng hoảng nặng nề hơn.

Theo các chuyên gia truyền thông, để ngăn chặn và hạn chế tối đa khủng hoảng truyền thông, trước hết DN cần chủ động thông tin về hoạt động SXKD, những đóng góp cho cộng đồng, hoạt động từ thiện… Những thông tin mang tính chất tham khảo này rất quan trọng. Vì khi xảy ra một tin đồn thất thiệt, nhà đầu tư và người tiêu dùng sẽ tìm kiếm thông tin về DN đó và thấy DN có nhiều thông tin tích cực. Khi đó, nhà đầu tư và người dùng sẽ nghi ngờ, thận trọng với tin đồn.

Về cách thức xử lý thông tin, DN phải chứng minh, xử lý minh bạch ngay những người chịu trách nhiệm về sai phạm đó. DN cần phản ứng với công chúng, người tiêu dùng, với truyền thông một cách nhanh chóng. Như lập đội xử lý khủng hoảng, kịp thời cung cấp thông tin cho báo chí, sử dụng kênh truyền thông xã hội, sẵn sàng đối thoại với người chất vấn, tìm nguyên nhân tại sao và chịu trách nhiệm cụ thể. Những hành xử chân thành, có trách nhiệm và đúng thời điểm sẽ góp phần dập tắt “đám cháy thông tin” và mở lối cho sự phục hồi sau đó. Cố che đậy sự cố, đổ lỗi hay im lặng không phải là cách ứng xử chuyên nghiệp và bền vững.

Theo các chuyên gia, nguyên tắc xử lý khủng hoảng truyền thông trong xu hướng hiện nay, là minh bạch thông tin trong tất cả hoạt động. Minh bạch hoạt động SXKD, minh bạch về quản trị, minh bạch trong quan hệ với nhà đầu tư, với công chúng và với truyền thông, là những yếu tố rất quan trọng để ngăn ngừa khủng hoảng truyền thông.

PHÚ VINH