CSVN – Hiện nay, nông dân trên địa bàn tỉnh Kon Tum bắt đầu bước vào vụ khai thác mủ cao su niên vụ mới. Điều phấn khởi là giá mủ đang ở ngưỡng tương đối cao so với các năm trước, giúp người dân các dân tộc tỉnh Kon Tum thêm phấn chấn.
Năm nay, thời tiết khá thuận lợi, mưa đến sớm hơn đã giúp cho cây cao su phát triển đủ tán lá sớm. Nhờ vậy, người dân trên địa bàn tỉnh Kon Tum cũng bước vào vụ cạo mủ sớm hơn thường lệ. Không chỉ mừng vì được khai thác sớm, niềm vui của người trồng cao su còn được nhân lên khi vừa bước vào vụ cạo mới, giá mủ tương đối cao.
Theo khảo sát của chúng tôi, thời điểm ngày 16/4, giá mủ cao su trên địa bàn tỉnh Kon Tum đang được thu mua ở mức 280 – 290 đồng/độ, tương đương với mức giá 12.100 đồng/kg đối với mủ chén khô, 11.000 đồng/kg đối với mủ đông khô, 9.800 đồng/kg đối với mủ đông nước. Với mức giá này, theo tính toán của người nông dân, cứ 1 ha cao su đang trong giai đoạn khai thác ổn định, bình quân mỗi lần cạo thu được từ 50 – 55 kg mủ, trừ tiền nhân công, người dân cũng có lời từ 300.000 – 350.000 đồng/ha. Nếu người trồng tự khai thác theo kiểu lấy công làm lời thì mỗi lần cạo thu được khoảng 450.000 – 500.000 đồng.
Ông Nguyễn Văn Vọng (xã Đăk Cấm, thành phố Kon Tum) chia sẻ, thời gian trước, dù có lúc giá mủ cao su xuống thấp, nhưng thực tế vườn cây 2 ha vẫn giúp gia đình ông có nguồn thu ổn định, đảm bảo cuộc sống. Nếu chịu khó bỏ công làm lời, thì mỗi héc ta cũng thu về được 300.000 – 400.000 đồng/lần cạo.
“Từ năm ngoái đến nay, giá mủ có chiều hướng ấm dần lên, tuy không thể so với thời kỳ “hoàng kim” trước đây, nhưng nếu duy trì được như thế này là đã tốt lắm rồi. Tôi tính, mỗi ngày cạo thu về trên 1 triệu đồng, mỗi tháng vườn cây cho thu 15 triệu đồng, trừ tất cả các chi phí rồi so với nhiều loại cây trồng khác cây cao su vẫn “ăn đứt”, ông Vọng chia sẻ.
Thời gian trước, giá mủ cao su xuống thấp đã khiến người trồng cao su trên địa bàn tỉnh Kon Tum gặp nhiều khó khăn. Không ít người trồng vì hoang mang, thiếu niềm tin nên đã chặt bỏ vườn cây, tuy nhiên, con số này không đáng kể, còn lại đa số nông dân vẫn kiên trì giữ lại vườn cây.
Hiện nay, khi giá mủ cao su phục hồi lại giúp cho người nông dân có nguồn thu đảm bảo. Trên thực tế, dù trải qua không ít những thăng trầm, nhưng có thể nói cao su vẫn là một trong những loại cây trồng được đánh giá là giúp nông dân thoát nghèo, có chỗ đứng quan trọng trong cơ cấu cây trồng của ngành nông nghiệp tại tỉnh Kon Tum.
Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh Kon Tum, diện tích cây cao su toàn tỉnh hiện có là 74.756ha, từ vài năm trở lại đây, tuy diện tích cây cao su không tăng mạnh nhưng vẫn đều đều được mở rộng qua mỗi năm cho thấy người dân vẫn tin tưởng vào lợi ích kinh tế mà loại cây trồng này mang lại.
K.SƠN – N.THẮNG
Related posts:
- Trao quyết định chủ trương đầu tư nhà máy chế biến Cao su Sơn La
- Cao su Dầu Tiếng ký kết thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Gia Định
- Vẫn giữ thu nhập người lao động dù khó khăn
- Cao su Phú Thịnh tôn vinh 2 bàn tay vàng và 8 kiện tướng
- Cao su Chư Păh trao 500 suất quà cho gia đình chính sách
- Các công ty thành viên VRG có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội tỉnh Hà Tĩnh
- 60 y bác sĩ ngành cao su tập huấn nghiệp vụ
- Đảng ủy VRG kiên trì xây dựng chiến lược vượt qua khó khăn
- Cao su Tây Ninh khen thưởng công nhân hoàn thành kế hoạch năm
- Công đoàn Cao su VN họp mặt nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam