CSVN – Năm 1980 ba tôi làm tổ trưởng quản lý, anh hai thì làm thợ cạo. Còn tôi 14 tuổi vì đi học xa không có phương tiện nên phải nghỉ học, ở nhà phụ má trông em nhỏ, vừa lo việc nhà bếp núc cho cả gia đình.
Ngày ấy đất nước vừa trải qua cuộc chiến tranh, mới giải phóng được 5 năm nên còn nghèo nàn lạc hậu và khó khăn chồng chất, ngành cao su cũng không ngoại lệ. Do vậy, ba và anh hai đi làm thu nhập mỗi tháng lo cho cuộc sống gia đình được đủ ăn, đủ mặc… cũng đã khó chứ lấy tiền đâu mua xe đạp đi làm việc – khổ cực là thế.
Nhưng rồi, đơn vị cũng xoay xở tìm đối tác hợp đồng mua xe bán trả góp cho cán bộ có phương tiện đi lại phục vụ công việc được thuận lợi rồi trừ dần vào tiền lương. Ba tôi được mua một chiếc xe đạp mang thương hiệu Hữu Nghị nổi tiếng thời bấy giờ cũng oách lắm. Còn anh hai thì gánh thùng đi bộ vào lô cạo mủ mỗi sáng, cùng đi có rất nhiều thợ cạo trong xóm, vừa đi vừa hàn huyên chuyện trò rôm rả rất vui. Cái thời nghèo khó trong xóm gia đình công nhân nào cũng nhà tranh vách lá làm tổ ấm.
Về mùa nắng thì trong nhà không khí mát rượi, nhưng cứ vào mùa mưa thì thấm dột tả tơi, chỗ ngủ còn ướt. Đến như củi đuốc dễ bị mối mọt gặm nhắm phải bỏ ngoài trời rồi che chắn sơ sài chứ không dám để ở mái hiên hoặc trong nhà vì sợ chúng đục cả căn nhà. Nhưng khổ nỗi, củi đuốc là thứ được sử dụng thường xuyên trong bếp núc thổi cơm, nấu thức ăn hàng ngày cho cả gia đình. Nhất là ba và anh hai đi làm vất vả, đói và mệt, về đến nhà có ngay mâm cơm được dọn sẵn để nạp năng lượng nhằm tái tạo sức khỏe thì vui lắm – má tôi căn dặn thế.
Má tôi thì làm vườn, chăn nuôi thêm heo, gà. Tôi được tiếng phụ má trông em, 2 đứa em đã lên 6 và 8 tuổi. Tôi giao nhiệm vụ 2 em “giao liên” thường xuyên ra cổng mà thấy dáng ba, anh 2 đi làm về thì cấp báo kịp thời để tôi dọn cơm ra mâm cho ba và anh hai ăn. Gặp bữa trời mưa củi đuốc ẩm ướt, tôi nghe 2 đứa em vào nhà cấp báo “thợ cạo” và “cán bộ” về gần tới cổng. Tôi cứ loay hoay cuống quýt trong bếp mà chẳng thứ gì làm xong, má tôi cũng vào phụ một tay nhưng khói bếp vẫn cứ phả ra mù mịt. Cũng may, nhờ 2 đứa em có sáng kiến nhặt nhạnh những mảnh củi vỡ nhỏ mà tôi bỏ đi, cho vào túi nylon cất giữ, đúng lúc tôi bí lại đem ra cho tôi dùng. Tôi vừa mừng rỡ vừa thốt lên:
– Trời ơi! Ở đâu mà em có thứ củi để khô này vậy?
– Em nhặt chơi, rồi bỏ vào túi nylon cho mưa khỏi ướt, để dành cho chị nấu ăn đó…
Được thứ củi khô, nhỏ mồi chài lửa bén cháy ngùn ngụt, chưa tới 15 phút cơm nước cũng đã hoàn tất được dọn ra mâm. Ba và anh hai vệ sinh xong thì cả nhà cùng ngồi vào bàn ăn. Tôi cứ nhìn ba, anh hai, rồi má và 2 em thấy ăn uống ngon lành trong lòng tôi trào dâng một cảm xúc khó tả. Tôi thầm khát khao sau này lớn lên được làm tổ trưởng như ba đi làm xe đạp thật oách, hoặc là thợ cạo như anh hai cũng vui, tuy có vất vả, cực nhọc nhưng về nhà dù sớm hay muộn cũng có bữa cơm gia đình sum vầy mà thật ấm áp, hạnh phúc ngập tràn.
Thời gian thấm thoát trôi qua, niềm khát khao của tôi đã thành hiện thực, tôi vào nghề thợ cạo làm việc 31 năm và bây giờ cũng đã nghỉ hưu theo chế độ. Nhưng mỗi lần ngồi vào mâm cơm gia đình có đầy đủ: chồng, các con… tôi lại quay quắt về kỷ niệm một thời.
(Bài viết dựa theo lời kể của chị Trần Thị Thùy Trang – Công nhân Tổ 1,
Đội I, NT Xà Bang, Công ty CPCS Bà Rịa, nay đã nghỉ hưu)
DÂN BÌNH
(BÀ RỊA – VŨNG TÀU)
Related posts:
- "Chiến đấu" trên miền nhựa trắng
- Tình cảnh đời sống của công nhân đồn điền cao su
- "Tin rằng công nhân cao su sẽ vượt qua thời điểm khó khăn này!"
- Thật tự hào là CB CNV ngành cao su!
- Những tháng ngày không quên
- Vững một niềm tin
- 30 năm làm cán bộ Công đoàn
- Ngày Tết bận rộn trên lô
- Lan tỏa tinh thần yêu thương của tổ chức Công đoàn đến với người khó khăn
- Người ươm mầm cao su