CSVN – NT Plei Kần – Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum có diện tích 697 ha, trong đó khai thác 561 ha nhưng chỉ có 64 công nhân, số còn lại là hộ nhận khoán. Lao động chủ yếu là dân tộc miền núi phía Bắc di cư vào lập nghiệp, còn lại là người Sê Đăng…Nhìn cây cao su đứng chơ vơ trên những quả đồi lưa thưa, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi biết rằng vườn cây nơi đây có năng suất 2 tấn/ha từ nhiều năm.
Gian nan công tác quản lý vườn cây nơi vùng biên
Anh Nguyễn Thái Hùng – Phó GĐ, kiêm Chủ tịch Công đoàn NT cho biết thêm: “NT chúng tôi diện tích nhỏ mà lại nằm rải rác trên 3 xã là Đăk Xú, Đăk Kan và Đăk Dục, trong đó có 2 xã tiếp giáp với 2 nước Lào và Campuchia cùng một phần thuộc thị trấn Plei Kần của huyện Ngọc Hồi. Do vậy công tác quản lý sản phẩm nơi đây vô dùng gian nan”.
Trên đường dẫn chúng tôi đi khảo sát thực tế, anh Hùng dẫn chứng: “Đây là thôn Thung Lai thuộc xã Đăk Xú, một xã biên giới, hầu hết dân của thôn này là những hộ nhận khoán, họ ở và có vườn cao su giáp với cao su của NT, chỉ cách nhau cái hào do NT làm từ nhiều năm trước. Điều kiện như thế này thì làm sao mà mủ không thất thoát được, biết đâu là mủ của họ, đâu là mủ của NT. Để giữ được mủ ở những nơi như thế này chỉ trông chờ vào ý thức của người lao động mà thôi”.
Bởi vậy, việc quản lý sản lượng mủ hằng ngày đều được NT chú tâm thực hiện sát sao, nhằm hạn chế tiêu cực. Tổ trưởng tổ 6 Phạm Văn Hải chia sẻ: “Là tổ trưởng, tôi hiểu rất rõ từng phần cây. Vì thế, nếu có sự chênh lệch bất thường về sản lượng giữa các ngày là chúng tôi phải chú ý đến phần cây đó ngay, sẽ tập trung theo dõi những người đứng phần cây đó để xem xét nguyên nhân, từ đó sẽ có những biện pháp xử lý”.
Chúng tôi đến tổ 3, tổ được lãnh đạo NT giới thiệu có năng suất cao nhất NT là 2,5 tấn/ha. Thành tích của tổ rất ấn tượng trong điều kiện nhiều khó khăn. “Tổ có vườn cây giáp với thị trấn Plei Kần, nhất là thôn giáp với cao su nên chúng tôi rất vất vả giữ gìn sản phẩm và vật tư cho vườn cây. Dân trong thôn còn nghèo, trẻ em thất học khá cao, vào mùa khô còn có chút việc để làm nhưng đến mùa mưa thì chẳng có việc gì làm, họ cứ ra lô mót mủ khiến công tác giữ gìn sản phẩm hết sức gian nan”.
Vừa qua, tổ 3 còn mất một số diện tích do phải bàn giao về địa phương xây trường học. Chị Nguyễn Thị Vân, một CN lâu năm cho hay, nếu không bị thu hồi thì tổ còn có năng suất cao hơn nữa, có thể vượt xa 2,5 tấn/ha. Anh Hùng đưa chúng tôi qua những lô cao su đang căng tràn sức sống bị xẻ làm đôi bởi những con đường vành đai, đường tránh đô thị…Ngoài tiếc cho vườn cây đang có năng suất cao hàng đầu công ty phải nhường chỗ cho các công trình công cộng thì khi đường sá mở rộng, dân cư càng đông có nghĩa việc quản lý và giữ gìn sản phẩm lại thêm phần khó khăn.
Quả ngọt đến từ sự nỗ lực vượt khó
Sau 23 năm thành lập trên vùng biên giới, tiếp giáp 3 nước Đông Dương là Việt Nam – Lào – Campuchia, NT Plei Kần đã từng bước khắc phục bất cập của mô hình nhận khoán, khó khăn của vùng đất biên giới, về lao động, thổ nhưỡng, thời tiết…để từng bước vươn lên và khẳng định mình bằng việc gia nhập CLB 2 tấn/ ha của VRG từ năm 2013.
Theo anh Vũ Bá Văn, nguyên GĐ NT, năng lực thật của vườn cây đã đạt 2 tấn/ha chỉ sau khoảng 10 năm đưa vào khai thác. Tuy nhiên do phải tiếp nhận 135 ha vườn cây kém chất lượng của NT Tân Cảnh nên năng suất bị kéo xuống, chính vì thế đến năm 2013 NT mới chính thức được công nhận là thành viên CLB 2 tấn/ha của VRG.
“Để có được thành tích trên, chúng tôi đã áp dụng nhiều biện pháp trong quản lý điều hành. Nhất là công tác dân vận với những người trong mô hình hộ nhận khoán. Đối với mô hình CN, chúng tôi quán triệt cho công nhân thực hiện nghiêm nội quy NT, công ty. Đồng thời, tích cực gia cố máng chắn mưa, màng phủ chén, quản lý chặt chẽ giờ giấc đi cạo của CN…”, GĐ NT Plei Kần Nguyễn Đức Hưởng cho hay.
Để thấu hiểu nỗi cực nhọc của CN trong việc giữ gìn sản phẩm, nhất là vào mùa mưa, chúng tôi tìm gặp CN Lê Xuân Minh trong căn nhà nhỏ nằm ngay bên cạnh vườn cây tổ 3. Anh Minh trải lòng: “Ở tổ chúng tôi đa số là anh em CN trung niên, do vậy tay nghề cũng khá tốt và ổn định. Chúng tôi lo lắng nhất là vào mùa mưa, bởi việc cạo đủ lát đã rất khó rồi, còn thêm vận chuyển mủ về địa điểm tập kết hết sức gian nan bởi đường đất trơn trượt, lầy lội và quan trọng nhất phải giữ được mủ. Nhưng cũng nhờ ý thức cao và tinh thần đoàn kết, giúp đỡ hoàn thành tốt công việc, từ những việc đơn giản như vậy mà vườn cây của tổ 3 đã thể hiện đúng năng lực là năng suất trên 2,5 tấn/ha”.
Đến với vườn cây nơi đây, nhìn những quả đồi ngắt quãng, ở cao trình từ 650 – 700m so với mực nước biển mới hiểu hết những nỗ lực, phấn đấu và quyết tâm từ lãnh đạo, CB.CNVLĐ NT để năng suất vườn cây đạt trên 2 tấn/ha.
VĂN VĨNH
Related posts:
- Nơi khó khăn vẫn về đích sớm
- Cao su Bình Long phát triển toàn diện
- Cao su Sa Thầy tổ chức gặp mặt nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Một tấm gương thực tế giá trị hơn trăm bài tuyên truyền
- Cao su Bà Rịa giao lưu bóng chuyền chào mừng 79 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam
- Cao su Chư Păh tổ chức gặp mặt, tri ân cán bộ hưu trí
- Cao su Bà Rịa tiêm vaccine phòng ngừa Covid - 19 mũi 1 đạt 95%
- Nghỉ hưu tuổi 47: Vui mừng, phấn khởi
- Tranh suất về Dầu Tiếng!
- Thầm lặng trong đêm đối phó phấn trắng