Gió lốc cuốn qua, nỗi đau ở lại

CSVN – Cơn lốc cuốn qua vườn cây Nông trường Bachiang 1 và Bachiang 3 của Công ty TNHH Cao su Việt – Lào hơn 30 phút nhưng thiệt hại để lại rất nặng nề. Gần 800 ha cao su bị ảnh hưởng, trong đó hơn 500 ha vườn cây thiệt hại từ 50 – 80%.
Vườn cây gãy đổ ngổn ngang sau cơn gió lốc ngày 14/3
Vườn cây gãy đổ ngổn ngang sau cơn gió lốc ngày 14/3
Vườn cây tan hoang sau lốc

Đầu tháng 4, chúng tôi có chuyến công tác tại Công ty TNHH Cao su Việt – Lào, đoàn công tác gồm có ông Võ Việt Tài – Phó Chủ tịch Công đoàn CSVN và các cổ đông công ty. Chúng tôi được ông Nguyễn Tuấn Dũng – Phó Bí thư Đảng ủy, Phó TGĐ công ty dẫn đi thực tế vườn cây thiệt hại do cơn lốc ngày 14/3 vừa qua. Ông nói: “Các anh chị đi xem thực tế vườn cây bị ảnh hưởng sau cơn lốc để chia sẻ với những khó khăn mà công ty phải đối mặt năm nay”.

Đoạn đường từ trung tâm huyện Pakse vào Nông trường Bachiang 1 chỉ hơn 20 km. Vào đến nông trường, cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là vườn cây nghiêng ngả, gãy đổ la liệt, cây thì bật gốc, cây thì gãy ngang thân, tét cành nhánh. Càng đi sâu vào nơi trung tâm của cơn lốc đi qua, cảnh tượng còn xót xa hơn, vườn cây thiệt hại nặng nề, có những lô thiệt hại đến 80%.

Không chỉ vườn cây của công ty ảnh hưởng mà những vườn cây tiểu điền gần đó cũng chịu chung số phận. Chỉ vào một vườn cây, anh tài xế cho biết: “Vườn cao su của tư nhân này có diện tích hơn 20 ha mới được mua lại vào buổi sáng thì chiều lốc đi qua và thiệt hại trên toàn bộ diện tích”. Nhìn cảnh tượng vườn cây tan hoang sau khi cơn lốc đi qua, chúng tôi hiểu được tác hại của sự biến đổi khí hậu, của thiên tai đến vườn cây, đến tài sản công ty to lớn đến nhường nào.

Không đau lòng, không tiếc nuối sao được khi đó là mồ hôi, là công sức của biết bao CB.CNVC–LĐ công ty đã dày công vun trồng. Đối với ngành nông nghiệp thì cây cối chính là tài sản, là tâm huyết, và để cây cao su phát triển trên đất bạn thì tâm huyết ấy được nung nấu hơn bội phần. Với CB.CNV-LĐ Cao su Việt – Lào, nỗi xót xa càng lớn hơn khi nhìn thấy thành quả lao động bỗng vụt mất trong chốc lát.

Công ty đang nỗ lực khắc phục hậu quả để ổn định sản xuất.
Công ty đang nỗ lực khắc phục hậu quả để ổn định sản xuất.

Nhìn cảnh cây ngổn ngang, ông Võ Việt Tài thảng thốt: “Tôi không thể hình dung sức tàn phá của cơn lốc lại nặng nề như thế này. Công ty nằm trong Câu lạc bộ 2 tấn/ha của VRG, vườn cây bị ảnh hưởng là vườn cây có năng suất cao, vì vậy hậu quả của cơn lốc để lại sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất kinh doanh năm 2018. Công đoàn CSVN sẽ tổ chức thăm hỏi anh em lao động công ty để chia sẻ, đồng thời cũng đề nghị Ban chấp hành Công đoàn công ty kết hợp với ban tổng giám đốc công ty phân chia lại lực lượng lao động hợp lý để công nhân lao động không bị gián đoạn công việc”.

Có lô thiệt hại đến 80% diện tích

Theo lời kể của ông Nguyễn Tuấn Dũng, ngày 14/3 trên địa bàn huyện Bachiang xảy ra một cơn gió lốc mạnh trên 30 phút, gây thiệt hại nặng cho vườn cây Nông trường 1 và 3. Công ty đã báo cáo với VRG và tiến hành kiểm kê, Nông trường Bachiang 1 thiệt hại trên 500 ha và Nông trường Bachiang 3 hơn 250 ha, có những lô thiệt hại 50 – 80%. Công ty đã huy động công nhân dọn dẹp và thuê người bên ngoài để xử lý nhanh, đưa vườn cây vào trang bị cho mùa khai thác mới.

“Đây là thiệt hại không ai mong muốn. Ban Quản lý kỹ thuật VRG đã cử cán bộ qua công ty khảo sát, nắm bắt tình hình và đề xuất hướng xử lý. Riêng với công ty, chúng tôi xem xét xử lý những vườn cây gãy đổ trên 80% sẽ đưa vào diện tích thanh lý tái canh, số còn lại gãy cục bộ sẽ tiếp tục dọn dẹp sạch để cạo tận thu vườn cây trong năm 2018”, ông Dũng cho biết.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nếu như ở Việt Nam khi có gãy đổ xảy ra sẽ có nhiều nhà thầu, công ty gỗ đến tận nơi thu mua cây cao su, còn việc này tại Lào rất khó, thậm chí cho củi, gỗ cũng không có ai muốn lấy. Công ty phải vận động công nhân dọn dẹp vườn cây. Đã không bán được cây gãy đổ, công ty còn tốn thêm tiền thuê nhân công vào để cưa cắt, dọn dẹp. Vì vậy, công ty tốn không ít chi phí cho việc khắc phục.

Được biết, năm 2014 hơn 528 ha của Nông trường Bachiang 1 cũng từng bị gãy do lốc xoáy. Năm 2017, công ty đã thanh lý xong và sẽ tiến hành trồng tái canh trong thời gian tới, riêng phần cây thiệt hại ít, được cạo tận thu. Năm nay, với những lô thiệt hại đến 80% diện tích, công ty kiến nghị VRG xem xét thanh lý để tái canh trong năm 2019. Công ty có mật độ cây cạo trên 500 cây/người. Trước tình hình vườn cây bị ảnh hưởng do lốc nên sẽ sắp xếp, phân bổ mật độ hợp lý, khoảng từ 380 – 400 cây/người để công nhân tiếp tục có việc làm, gắn bó lâu dài với đơn vị.

Càng gian khó càng trân quý thành quả lao động

Những ai đã từng có dịp đến thăm vườn cây   Cao su Việt – Lào, đều nhận định vườn cây rất đẹp khi gần 10.000 ha cao su sinh trưởng tốt, liền vùng liền khoảnh. Năng suất vườn cây cao đã giúp công ty ghi danh vào top những đơn vị nằm trong CLB 2 tấn/ha của VRG. Năm 2017, công ty khai thác được hơn 17.500 tấn, vượt 13,2% kế hoạch giao. Nhờ sản lượng khai thác cao cùng với việc quản lý chặt giá thành, giá bán tốt đã giúp công ty hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, lợi nhuận đề ra, thu nhập CNLĐ cao hơn năm 2016. Năm 2017 cũng là năm đầu tiên công ty chia cổ tức cho các cổ đông, trở thành đơn vị đầu tiên của VRG tại nước ngoài chia cổ tức.

Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ SXKD năm 2018 của công ty ngày 12/4, ông Nguyễn Tiến Đức – Phó TGĐ VRG, chia sẻ: “Những năm gần đây công ty thường xuyên bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu nên tôi sẽ đề nghị với lãnh đạo VRG đưa Cao su Việt – Lào vào khu vực dễ bị ảnh hưởng do thiên tai để có những giải pháp đối phó. Năm nay, do lốc xoáy làm gãy đổ gần 800 ha nên VRG đã điều chỉnh kế hoạch sản lượng công ty xuống còn 16.000 tấn. Chỉ tiêu kế hoạch về doanh thu, lợi nhuận giảm theo sản lượng. Công ty xây dựng giá thành 27 triệu đồng/tấn, giá bán 33,9 triệu đồng/tấn, lãi gần 7 triệu đồng/tấn, nếu thực hiện theo kịch bản này thì kết quả khá tốt. Trên cơ sở này, năm 2018 công ty phấn đấu chia cổ tức 6 – 7%”.

Thiệt hại xảy ra chắc hẳn ai cũng tiếc nuối thành quả lao động nhọc công gầy dựng, nhưng khó khăn nào rồi cũng đi qua, còn lại đó quyết tâm khắc phục hậu quả, để bước vào mùa cạo mới. Với Cao su  Việt – Lào, năm vừa qua có nhiều niềm vui khi trở thành đơn vị đầu tiên ở nước ngoài thuộc Tập đoàn chia cổ tức cho cổ đông. Có gian khổ mới trân quý những thành quả, tin tưởng rằng tập thể CB.CNVC- LĐ công ty sẽ vững vàng vượt qua khó khăn, nỗ lực phấn đấu để đạt được những kết quả ấn tượng hơn trong năm 2018.

HÀ KHUÊ