CSVN – Từ một đơn vị đứng cuối bảng xếp hạng, đến năm 2017, Nông trường An Viễng vươn lên vị trí dẫn đầu trên mọi lĩnh vực. Có được kết quả đó là nhờ công tác quản lý thay đổi đã củng cố niềm tin nơi người lao động (NLĐ).
Xây dựng niềm tin ở NLĐ
Theo tìm hiểu, trước đây NT An Viễng là đơn vị có tiền lương thấp, thường xuyên hụt sản lượng và có tình trạng tiêu cực trong việc mua bán mủ ra ngoài nên gây mất niềm tin cho NLĐ. Tình trạng này kéo dài dẫn đến nông trường nhiều năm liền đứng cuối bảng xếp hạng của TCT Cao su Đồng Nai.
Đến năm 2017, với quyết tâm thay đổi, bằng nhiều biện pháp chấn chỉnh công tác quản lý, công khai, minh bạch mọi hoạt động, nhờ đó NLĐ tin tưởng và phấn đấu làm việc. Kết quả, năm qua nông trường về trước kế hoạch sản lượng 31 ngày, sớm nhất trong toàn TCT.
Ông Phan Quang Bá – Giám đốc NT chia sẻ: “Kết quả đạt được là yếu tố quan trọng hàng đầu, giúp củng cố niềm tin nơi NLĐ. Quan điểm của lãnh đạo đơn vị, nói phải đi đôi với làm, nếu nói mà không làm thì NLĐ không tin”.
Đánh giá về NT An Viễng, ông Đỗ Minh Tuấn – TGĐ TCT Cao su Đồng Nai cho rằng, đơn vị đã “lội ngược dòng” ngoạn mục, vươn lên vị trí dẫn đầu TCT trong năm 2017. “An Viễng là đơn vị xuất sắc khi dẫn đầu về vườn giống, công tác tái canh, thực hiện kế hoạch sản lượng và xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình trong lao động sản xuất. Có được kết quả đó là nhờ nông trường đã kịp thời chấn chỉnh trong công tác quản lý, quyết liệt thực hiện nhiệm vụ được giao, xây dựng niềm tin nơi NLĐ”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Nhiều CN quay về “mái nhà xưa”
Nhờ thay đổi cách quản lý và quyết liệt trong việc thực hiện các chỉ tiêu đề ra, sự kết hợp giữa các tổ chức đoàn thể cùng với chính quyền đã giúp nông trường vươn lên ấn tượng. Năm 2017, chưa tính tiền thưởng cuối năm, thu nhập bình quân nông trường đạt trên 7,5 triệu đồng/ người/tháng. Có CN thu nhập tháng 12 đạt hơn 20 triệu đồng. Nông trường cũng là đơn vị có nhiều CN được khen thưởng vượt kế hoạch sản lượng của TCT. Chính những thay đổi rõ rệt đó, nhiều lao động trước đây nghỉ việc nay quay trở lại xin vào làm việc, số lượng thu tuyển nhiều hơn số lao động nghỉ.
CN Phạm Tín Dũng, một trong những người đã nghỉ việc nay trở lại làm tại nông trường, cho biết: “Trước đây, đơn vị có nhiều bất cập, tình trạng mất cắp mủ thường xuyên xảy ra, vì thế hay hụt sản lượng, lương không đủ sống nên tôi xin nghỉ. Tuy nhiên, nay nông trường đã chấn chỉnh, tình trạng tiêu cực được ngăn chặn, sự quyết tâm của cả tập thể đã giúp cho đơn vị thoát khỏi vị trí cuối bảng, lương của CN cao hơn. Khi TCT có chính sách thu tuyển CN từng làm cao su vào làm việc lại, tôi thấy nông trường có nhiều thay đổi nên quyết định trở về “mái nhà xưa”, về với công việc gắn bó hơn 10 năm qua”.
Năm 2018, nông trường được giao chỉ tiêu kế hoạch khai thác 1.380 tấn mủ. Ngay từ đầu năm, tập thể CB.CNVC – LĐ đơn vị thể hiện quyết tâm vượt 6 – 8% kế hoạch sản lượng. Ông Bá khẳng định: “Nông trường sẽ phát triển bền vững và cam kết không để tái diễn tình trạng không hay như trước”.
HÀ KHUÊ
Related posts:
- Bàn giao Khu du lịch Hàm Rồng cho huyện Sa Pa
- VRG gặp mặt khách hàng đầu năm
- Đảng bộ Rubico phấn đấu lợi nhuận trước thuế tăng 10% mỗi năm
- Khối Campuchia 1 vượt 7% kế hoạch sản lượng
- Sẽ sáp nhập 2 công ty cao su trên địa bàn Hà Tĩnh
- Cao su Kon Tum: Năm thứ 9 là thành viên CLB 2 tấn/ha của VRG
- Thi đua nước rút 3 tháng cuối năm: Thưởng cao nhất 20 triệu đồng/đơn vị
- 90 năm truyền thống trước cơ hội lịch sử
- “Cần có phương án cụ thể để tổ chức thành công Hội thao CNVC LĐ VRG năm 2024”
- Lãnh đạo VRG chào xã giao và thăm hỏi Ngài Yim Chhay Ly - Phó Thủ tướng Vương quốc Campuchia