Giải pháp tiêu thụ cao su phía Bắc và Campuchia

CSVN – Dự kiến giai đoạn 2018 – 2020, tốc độ tăng trưởng sản lượng cao su khai thác tại khu vực miền núi phía Bắc (MNPB) và Campuchia sẽ tăng rất nhanh, riêng tại Campuchia sản lượng có thể lên đến 100.000 – 150.000 tấn mủ/năm. Việc tiêu thụ sản phẩm từ các khu vực này rất được quan tâm.
Chế biến mủ tại nhà máy Công ty CPCS Chư Sê – Kampong Thom. Ảnh: Văn Vĩnh
Chế biến mủ tại nhà máy Công ty CPCS Chư Sê – Kampong Thom. Ảnh: Văn Vĩnh
Nhiều khó khăn

Khu vực MNPB hiện có tổng diện tích trên 28.883 ha cao su, trong đó có trên 7.452 ha khai thác, sản lượng hiện nay khoảng 5.970 tấn. Hiện Công ty CPCS Sơn La đang xây dựng nhà máy chế biến cao su với công suất khoảng 9.000 tấn/năm, gồm 3.000 tấn mủ tờ và 6.000 tấn mủ khối SVR 10, SVR 20. Sản phẩm hiện nay: mủ nguyên liệu, crepe, mủ thành phẩm SVR 10 (thuê gia công).

Tại Campuchia, VRG đang quản lý trên 87.672 ha cao su, trong đó diện tích KTCB 55.215 ha và 32.457 ha khai thác. Kết quả khảo sát cho thấy, sản lượng cao su của các công ty tại Campuchia sẽ tăng mạnh. Cụ thể, năm 2017 là 9.692 tấn, năm 2018 là 33.610 tấn, năm 2019 là 51.869 tấn và năm 2020 là 86.679 tấn. Hầu hết các đơn vị sẽ đạt đỉnh điểm vào năm 2022 và duy trì đến 2032. Hiện VRG có 3 nhà máy chế biến tại Campuchia, gồm: Tân Biên – Kampong Thom, Chư Sê – Kampong Thom và Mang Yang – Ratanakiri, tổng công suất chế biến 41.000 tấn/năm, sản phẩm chính là SVR 10, RSS, Crepe.

Ông Võ Hoàng An – Trưởng Ban Xuất nhập khẩu VRG, cho biết: “Ngoài những khó khăn chung như sản phẩm chưa có thương hiệu, chưa có kinh nghiệm trong công tác xuất nhập khẩu, chưa đáp ứng các yêu cầu khác của thị trường về bao bì… thì mỗi khu vực đều có những hạn chế riêng. Khu vực MNPB giá thành sản phẩm cao, đơn giá bán thấp so với các khu vực khác. Việc tiêu thụ sản phẩm tại Campuchia khó khăn về thủ tục xuất khẩu, thương hiệu sản phẩm và khách hàng. Do đó, việc tìm kiếm giải pháp hiệu quả nhằm tiêu thụ cao su cho hai khu vực này là hết sức cấp thiết”.

Chủ động tính toán hiệu quả

Theo dự báo, giá cao su giai đoạn 2018 – 2020 sẽ không cao do nguồn cung dư thừa. Do đó, các công ty cần quan tâm tăng tính hiệu quả đầu tư, sức cạnh tranh của sản phẩm, đẩy mạnh công tác phát triển thương hiệu, đồng thời tiết kiệm chi phí. Trong công tác tiêu thụ và xuất khẩu có 2 vấn đề trọng tâm đó là chất lượng sản phẩm và hệ thống phân phối, khách hàng của VRG.

Theo ông Võ Hoàng An, trước mắt để giải quyết lượng hàng sản xuất trong năm 2018, từng đơn vị cần chủ động tính toán hiệu quả giữa việc tiêu thụ trực tiếp hoặc ủy thác cho Công ty mẹ Tập đoàn để cung cấp cho các nhà sản xuất vỏ xe tại Việt Nam.

Cũng theo ông An, về lâu dài, đơn vị cần phát triển đối tượng khách hàng là những nhà sản xuất sản phẩm công nghiệp cao su bằng việc ký kết các hợp đồng dài hạn. Bởi đây là các khách hàng có nhu cầu lớn, ổn định về số lượng và chất lượng.

THẢO NHI