CSVN – Đây là mong muốn của anh Hoàng Văn Tuấn – công nhân (CN) tổ Bản Phát, NT Châu Sơn , Công ty CPCS Sơn La gửi gắm đến tổ chức Công đoàn.
Mỗi đại biểu là một tuyên truyền viên
Lần đầu tiên vào miền Nam, trong vai trò là đại biểu, đại diện cho tập thể NLĐ Công ty CPCS Sơn La tham gia Đại hội Công đoàn (CĐ) CSVN lần thứ VIII, anh Hoàng Văn Tuấn – không giấu được xúc động và tự hào. Hỏi anh về cảm xúc dự đại hội, anh cười hiền chia sẻ: “Tự hào, vinh dự lắm chứ. Mỗi đại biểu là một tuyên truyền viên. Sau đại hội, tôi và các đại biểu trong đoàn sẽ cố gắng truyền tải tinh thần, nghị quyết đại hội bằng nhiều hình thức, hoạt động khác nhau đến với tập thể CB.CNVC – LĐ công ty để mọi người nắm được”.
Cuộc sống gia đình anh Tuấn thay đổi từ lúc anh góp 1,2 ha đất để trồng cao su và trở thành CN chính thức của Công ty CPCS Sơn La. Ngày đó, anh là một trong những người đầu tiên đồng tình, ủng hộ chương trình phát triển cao su tại nơi mình sinh sống. 10 năm vào làm CN cao su đã có những lúc anh dao động khi có những thông tin không hay về cao su nơi miền núi phía Bắc. Nói là dao động nhưng anh chưa nghỉ một ngày làm việc nào. Là tổ trưởng CĐ Bản Phát, anh lại càng ý thức về vai trò của mình, kiên định với sự lựa chọn ấy, đồng thời cùng với ban chấp hành CĐ nông trường, công ty tuyên truyền để NLĐ yên tâm công tác.
CĐ luôn đồng hành cùng NLĐ
Với anh Tuấn, làm CN cao su là công việc đòi hỏi có nhiều kỹ thuật, vì vậy anh không ngừng học hỏi để tay nghề ngày một tốt hơn. Thu nhập từ cao su đã trở thành nguồn thu nhập chính của gia đình anh. Cũng nhờ công ty hỗ trợ vay vốn nuôi bò, mỗi năm ngoài lương cao su gia đình anh còn thu thêm khoảng 30 triệu đồng từ việc chăn nuôi bò, lợn.
Anh nói: “Nhờ có cao su đời sống người dân ở đây mới có cơ hội đổi thay. Cuộc sống quanh năm với ngô, với đàn gà, đàn lợn chỉ đủ ăn thôi. Bây giờ cao su vào cạo rồi, lương mỗi tháng cũng được hơn 3 triệu. Số tiền này trước đây là niềm mơ ước của nhiều người. Không chỉ có lương, làm CN cao su còn có các chế độ, quyền lợi. Bên cạnh đó, thời gian qua CĐ các cấp đã có nhiều hoạt động quan tâm đến NLĐ. Trong giai đoạn khó khăn, CĐ luôn đồng hành tuyên truyền, vận động NLĐ, thăm, tặng quà NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, đó là niềm động viên lớn lao nhất”.
Anh cho rằng tổ chức CĐ đóng một vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển của đơn vị: “Cao su phát triển ở miền Bắc hoàn toàn mới mẻ với bà con, nhưng qua thời gian nhờ sự tuyên truyền của các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là CĐ cùng với chính quyền đã giúp bà con hiểu lợi ích của cây cao su mang lại. Dòng mủ đầu tiên chảy nơi miền núi là sự vui mừng của bà con. Không chỉ CN công ty mà người dân bản địa ai cũng mong công ty ngày càng phát triển để người dân được hưởng lợi. Riêng đối với CĐ, tôi cũng mong muốn rằng trong nhiệm kỳ sắp tới, CĐ sẽ có nhiều hoạt động hơn nữa, quan tâm đến CN vùng sâu vùng xa, mở rộng các đối tượng được hỗ trợ để CN bớt khó khăn”.
HÀ KHUÊ
Related posts:
- “Đừng quay lưng với ngành trong khó khăn”
- Một người lãnh đạo, một hình ảnh đẹp trong ngành cao su
- Lần đầu tiên đi thi thợ giỏi đã "ẵm" giải cao
- Tận tâm, góp sức cùng đơn vị phát triển
- Hạt nhân trong phong trào thi đua vượt sản lượng
- Đoàn kết là sức mạnh để ngành cao su phát triển
- Họ đã làm gì?
- “Phần thưởng ý nghĩa trước ngày cưới”
- Chị Lường Thị Liên – Công nhân Nông trường Châu Sơn, Cao su Sơn La: Đón Tết to nhờ cao su
- Tự tin phát huy tay nghề