CSVN – Hội chợ quốc tế đồ gỗ và mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam (Vifa – Expo), sự kiện thường niên lớn nhất của ngành gỗ trong những năm qua. Đây được xem là sân chơi cung – cầu ngành gỗ, nơi giao lưu, tìm kiếm, tăng cường mối quan hệ với khách hàng trên thị trường nhằm thúc đẩy quá trình thương mại của các nhà sản xuất.
Tăng cường xuất khẩu
Năm 2017, giá trị xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ của Việt Nam đạt 8 tỷ USD. Riêng sản phẩm gỗ đạt 7,66 tỷ USD, tăng 10,2% so với năm 2016. Năm 2018, Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ đạt 9 tỷ USD. Trong đó, riêng gỗ và sản phẩm gỗ là 8,6 tỷ USD.
Theo ông Hà Công Tuấn – Thứ trưởng thường trực Bộ NN&PTNT: “Dư địa phát triển cho ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam những năm tới là rất lớn. Dự báo trong năm 2018, nhu cầu tiêu thụ đồ gỗ nội thất trên toàn thế giới sẽ tăng 3,5%, thương mại đồ gỗ sẽ tăng 4%. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư bài bản, đặc biệt chú ý đến việc sử dụng nguồn gốc gỗ hợp pháp, xây dựng thương hiệu, tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm để nắm bắt cơ hội mở rộng thị phần ra thế giới”.
Gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam hiện xuất khẩu sang 38 quốc gia, trong đó nhiều nhất là thị trường Mỹ, chiếm 41% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước.
Ông Đỗ Văn Sáu – TGĐ Công ty CP Chế biến và XNK Gỗ Tây Ninh cho biết: “ Hiện tại, thị trường tiêu thụ chủ yếu của công ty là trong nước. Gỗ Tây Ninh tham gia hội chợ lần này với hi vọng chuyển đổi cơ cấu thị trường, tìm đối tác nước ngoài, giới thiệu các sản phẩm ván ghép, tinh chế, mở rộng thị trường ra các nước Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Châu Âu…”.
Còn với Công ty CP Chế biến Gỗ Thuận An, ông Trần Văn Đá – TGĐ công ty cho biết, công ty tham gia hội chợ năm nay với nhiều sản phẩm có thiết kế mới, kết hợp nhiều vật liệu như các loại gỗ trên cùng một sản phẩm, gỗ kết hợp kim loại. Ngoài ra, còn có các sản phẩm theo xu hướng tiêu dùng của châu Âu như:
Sản phẩm giả gỗ, bề mặt láng hoặc cào cước, răng cưa. Qua hội chợ, công ty mong muốn tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường ra Ấn Độ và các nước Trung Đông…
Quy mô ngày càng mở rộng
Vifa – Expo do Sở Công Thương TP.HCM phối hợp với Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (Hawa), Công ty CP Thủ công mỹ nghệ Gỗ Liên Minh tổ chức.
Hội chợ năm 2016 có 1243 gian hàng của 253 doanh nghiệp tham gia. Đến năm 2017, có 1532 gian hàng của 313 doanh nghiệp. Vifa – Expo 2018 tiếp tục thu hút đông đảo nhà sản xuất lẫn nhà buôn tham gia.
Hội chợ có quy mô 1.980 gian hàng của 450 doanh nghiệp trên diện tích 30.000 m2 (tăng 29% so với năm 2017). Trong đó có 100 doanh nghiệp đến từ các nước có tiềm lực ngành gỗ và công nghiệp phụ trợ khá lớn như: Mỹ, Úc, Nga, Canada, Trung Quốc, Đan Mạch, Hàn Quốc, Malaysia….
VRG có ba đơn vị là Công ty CP Chế biến gỗ Thuận An, Công ty CP Chế biến – XNK gỗ Tây Ninh và Công ty TNHH MTV Chế biến gỗ Đông Hòa tham gia hội chợ.
Vifa – Expo 2018 là điểm tập trung cho tất cả các sản phẩm đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ, trang trí nội thất và các dịch vụ hỗ trợ đáp ứng được nhu cầu của người mua từ khắp nơi trên thế giới. Hội chợ năm nay, được đầu tư kỹ lưỡng, gian hàng triển lãm có thiết kế đẹp, sản phẩm trưng bày chất lượng, mẫu mã độc quyền, mặt hàng đa dạng… nhờ đó, các gian hàng nhận được sự quan tâm của đông đảo khách hàng. Trong đó, có hơn 4.000 khách hàng quốc tế đến từ 101 quốc gia tham quan.
ĐÀO PHONG
Related posts:
- Cơ khí Cao su chia cổ tức 6%
- Khánh thành Nhà máy chỉ sợi VRG SaDo công suất 6.000 tấn/năm
- Tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản Việt Nam
- Gỗ Thuận An quảng bá thương hiệu tại Hội chợ VIFA – EXPO năm 2017
- Khuyến cáo doanh nghiệp chủ động kế hoạch xuất khẩu sang EAEU
- Giá trị xuất khẩu cao su tăng gần 80% trong nửa đầu năm 2021
- VAFI bất ngờ kiến nghị nhà nước hạ lãi suất tiền gửi về 0%
- Giá cao su tự nhiên tăng cao do lo ngại về nguồn cung
- Chi phí logistics bào mòn hết lợi nhuận của doanh nghiệp xuất khẩu
- Trung Quốc giảm nhập khẩu cao su hỗn hợp năm 2021