CSVNO – Từ ngày 1 – 5/3, 31 ha đất do Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh quản lý bị người dân lấn chiếm, đào hố trồng keo. Vụ việc được UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo các cơ quan có liên quan kiểm tra, xử lý.
Năm 2017, tâm bão số 10 đổ bộ vào Kỳ Anh, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, trong đó có hàng trăm ha cao su bị đổ gãy. Để kịp thời khắc phục những thiệt hại do bão số 10 gây ra nhằm tiếp tục ổn định sản xuất, NTCS Kỳ Lạc (Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh) tiến hành thanh lý số diện tích cao su bị đỗ gãy, đồng thời, phát dọn 31 ha để trồng tái canh rừng nguyên liệu thay thế cây cao su bị đổ gãy.
Thế nhưng, trong khi công ty chưa kịp trồng thì từ ngày 1 – 5/3 xuất hiện trên 100 người dân thôn Lạc Thanh (xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh) ngang nhiên vào đào hố trồng keo trên diện tích 31 ha do công ty quản lý.
Cụ thể, sáng 1/3 khoảng 32 người dân thôn Lạc Thanh đưa keo vào trồng tại lô 3.1, tiểu khu 402. Phát hiện sự việc, công ty phối hợp chính quyền xã, lực lượng công an tuyên truyền, vận động người dân ngừng việc chiếm đất nhưng người dân không chấp hành. Trong ngày này, có khoảng 7ha bị lấn chiếm.
Ngày 2/3, số người tham gia trồng keo trên đất của công ty tăng lên 90 người. Đến ngày 3/3, đoàn làm việc của công ty và chính quyền huyện Kỳ Anh, xã Kỳ Lạc, công an huyện tiếp tục lên hiện trường tuyên truyền, vận động nhưng bất thành, diện tích bị lấn chiếm trong ngày 3/3 tăng thêm 5ha.
Ông Nguyễn Khánh Toàn – TGĐ Công ty Cao su Hà Tĩnh bức xúc: “Tranh chấp đất nhỏ lẻ chúng tôi đã từng gặp, nhưng ngang nhiên lấn chiếm quy mô lớn, có tổ chức như thế này thì chúng tôi chưa từng thấy”.
Ngoài ra, ông còn thông tin thêm, trước khi đoàn làm việc đến, bảo vệ công ty thực hiện trách nhiệm của mình, đã nhổ khoảng 0,1 ha keo người dân trồng và chặt gãy khoảng 2.500 cây trồng trái phép trên đất công ty. Sự việc trở nên phức tạp nên chúng tôi đã lập biên bản theo yêu cầu của dân.
Biên bản này cũng nêu rõ, trong quá trình chờ cơ quan chức năng giải quyết người dân và công ty không được trồng keo trên diện tích đã khai hoang. Tuy nhiên, những ngày sau (4 – 5/3) người dân vẫn tiếp tục đem keo lên trồng kín 31 ha đất của công ty.
Ông Nguyễn Thái Toàn – Chủ tịch UBND xã Kỳ Lạc khẳng định, việc một bộ phận người dân thôn Lạc Thanh trồng cây trên đất đã cấp cho NTCS Kỳ Lạc là sai. “Đất đã cấp cho công ty thì công ty sử dụng. Dân vào trồng trên đất của công ty là sai”, ông Toàn nhấn mạnh.
Lãnh đạo Công ty Cao su Hà Tĩnh kiến nghị, chính quyền địa phương cần xử lý dứt điểm vụ việc, tránh xảy ra tiền lệ xấu. Đồng thời cho biết, công ty sẵn sàng đều bù phần cây đã nhổ và trả tiền giống cây, công trồng cho người dân. Còn nếu tỉnh có chủ trương khác, muốn thu hồi đất thì cũng phải có ý kiến rõ ràng, công ty sẽ thực hiện.
Sau khi vụ việc xảy ra, Công ty Cao su Hà Tĩnh đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh và Tập đoàn CNCS VN. UBND tỉnh ngay sau đó ban hành văn bản, chỉ đạo UBND huyện Kỳ Anh chủ trì, phối hợp các cơ quan có liên quan, chính quyền địa phương và chủ rừng tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ pháp luật về quản lý đất đai, nghiêm cấm việc tự ý lấn chiếm đất trái pháp luật. Đồng thời, tổ chức lực lượng ngăn chặn các đối tượng vi phạm, lập biên bản vi phạm, bắt buộc những người xâm phạm phải khắc phục, trả lại hiện trạng ban đầu cho công ty.
CTV Anh Bình
Related posts:
- Đảng bộ VRG: Tổ chức thật tốt nhiệm vụ để hoàn thành cao nhất kế hoạch năm 2022
- Cao su Tây Ninh chú trọng phát triển sản phẩm mới
- Công trình khoa học lịch sử có ý nghĩa đặc biệt
- Cao su của VRG đã thay đổi bộ mặt nông thôn Campuchia
- Lãnh đạo Cao su Quảng Nam đối thoại cùng người lao động
- Cơ hội lớn cho nông sản Việt
- VRG trong top 50 công ty niêm yết tốt nhất năm 2021
- Tăng năng suất vườn cây để bù giá bán thấp
- Cao su Đồng Phú có 15 năm liên tục năng suất trên 2 tấn/ha
- Tập đoàn Cao su cần hướng đến một tập đoàn kinh tế quy mô lớn