Nhớ mùa báo Tết Nhâm Tuất

CSVN Xuân – Tờ báo Cao su Việt Nam của chúng tôi ra đời từ Tết năm Nhâm Tuất kéo dài một mạch suốt 36 năm cho đến Tết Mậu Tuất này. Từ chỗ lèo tèo chỉ có 3 chàng trai với phương tiện hành nghề là chiếc máy ảnh pratica cũ kỹ, một cái bàn và chiếc máy đánh chữ cọc cạch.
Tác giả (bìa trái) cùng ông Phạm Sơn Tòng – Nguyên Giám đốc Công ty Cao su Đồng Nai (giữa) tiếp chuyện cùng Tổng Bí thư Lê Duẩn khi Tổng Bí thư đến thăm công ty.
Tác giả (bìa trái) cùng ông Phạm Sơn Tòng – Nguyên Giám đốc Công ty Cao su Đồng Nai (giữa) tiếp chuyện cùng Tổng Bí thư Lê Duẩn khi Tổng Bí thư đến thăm công ty.

Hồi đó tôi đang ở Huế được Trung ương điều vào Tổng cục Cao su với mục đích là cần nhà văn đến sống thâm nhập với ngành để ghi chép tư liệu viết hồi ký về các cụ phu đồn điền cao su thời nô lệ thuộc thực dân Pháp.

Tôi sống chưa được bao lâu với ngành thì một hôm ông Ba – thiếu tướng Võ Văn Thạnh – Tổng cục phó gặp tôi và nói vì cơ quan này mới thành lập, rất thiếu người nên  cần tôi về nhận việc ở Ban Thi đua Tuyên truyền. Việc viết hồi ký các cụ ta sẽ lo sau. Trước mắt cần làm là phải lo để ra mắt một tờ báo ngành, phải viết và in kịp cho công nhân (CN) toàn ngành có báo đọc chào mừng Tết Nhâm Tuất. Rồi với giọng chân thành ông Ba nói thêm: “Tôi là cấp tướng, ở Ban anh có Bảy Lai là cấp tá, nhưng tướng tá chỉ biết đánh giặc, đã làm báo bao giờ đâu. Bây giờ trăm sự giao anh xoay xở, tìm người trong Ban Tuyên truyền để lập Tòa soạn”…

Tôi hiểu Đảng ủy Tổng cục đã quyết định ra báo, phân công ông Ba làm chủ nhiệm. Ông giao cho tôi tờ giấy có đề tên tôi kèm “cái chức” là Tổng biên tâp, đóng dấu đỏ của Tổng cục do Chánh văn phòng Đỗ Nhật Trân ký. Cầm cái  “Thẻ Nhà báo” cao su tự biên tự diễn đó, tôi về gom được nhiếp ảnh viên Nguyễn Đăng Cầu và họa sĩ Trần Quốc Định họp “Tòa soạn” bàn gấp rút kế hoạch ra báo. Chỉ còn  29 ngày là đến Tết năm “Nhâm Con Chó”. Cần đi ngay xuống các công ty, nông trường (NT) gặp gỡ các nhân vật điển hình mà phỏng vấn, vẽ tranh, chụp ảnh, viết bài cho tờ báo sơ sinh mới đặt tên là Cao su Việt Nam

Cái “Tòa soạn” ọp ẹp mới tạm lập rất băn khoăn lo lắng chỉ có 3 anh em lên xe về Công ty Đồng  Nai – là nơi có nhiều NT và hàng ngàn CN. Anh Ba Phạm Sơn Tòng giám đốc công ty rất vui mừng tiếp chúng tôi và đưa ngay  về các nông trương, gặp  giám đốc NT Cù Bị Lê Huế và thợ cạo mủ cao su giỏi nhất là chị Phạm Thị Liên ở NT Bình Lộc…Anh Ba gợi ý phải đi đến các công ty cao su khắp miền Đông gặp các điển hình mới phản ánh đươc bộ mặt tiên tiến của toàn ngành.

Nghe lời anh Ba, chúng tôi rong ruổi mười ngày đến các vườn cây cao su vừa khai thác tài liệu, tác nghiệp, viết bài và đặt bài tổ chức mạng lưới cộng tác viên, vừa biên tập và chụp ảnh, vẽ tranh, trình bày bìa, làm măng set, ghi – nhét minh họa…ngay trên đường đi. Trở về Tổng cục, chúng tôi mang tất cả nội dung, hìmh thức đã chuẩn bị cho số báo lên gặp ông Ba Thạnh, ông vui vẻ nhận bản thảo và hẹn mai trả lời.

Hôm sau, tôi đến sớm hồi hộp ngồi chờ. Chủ nhiệm báo cũng đến sớm trao trả tập báo và giọng trang trọng “Cảm ơn các đồng chí”. Rồi ông cười khà, nói tiếp : “Các cậu khá lắm. Tôi đã xem suốt đêm, có sửa lại đôi chỗ, đã bảo  Văn phòng lo kinh phí, nơi in. Các cậu về xem lại sửa chữa và đưa in ngay cho kịp Tết”.

Chúng tôi rong ruổi mười ngày đến các vườn cây cao su vừa khai thác tài liệu, tác nghiệp, viết bài và đặt bài tổ chức mạng lưới cộng tác viên, vừa biên tập và chụp ảnh, vẽ tranh, trình bày bìa, làm măng set, ghi – nhét minh họa…ngay trên đường đi.

2 hôm sau tờ báo Cao su Việt Nam đã được xếp chữ bằng chì, đổ bản kẽm tại nhà in tận Quận 5. Lúc đó máy in bằng cách đạp chân, quay tay nên rất chậm chạp. 3 chúng tôi thay nhau xuống nằm trực hối thúc nhà in. May sao thợ in báo cũng thông cảm với CN cao su nên họ cũng làm ngày làm đêm cho đến tối 29 tháng Chạp thì in xong tờ báo. Tôi báo cáo với ông Ba Thạnh  xin số lượng phát hành cho các công ty và chất báo lên xe phóng chạy hỏa tốc về các công ty cao su.

Điểm đến đầu tiên là Công ty Phú Riềng. Đã khuya mà cả giám đốc đến CN đều thức dậy reo mừng đón tờ báo rồi mang bánh kẹo rượu bia nước uống ra xe cho chúng tôi tiếp tục lên đường đến các nơi khác. Trưa hôm sau, vào 30 Tết thì chúng tôi mới về đến công ty cuối cùng ở Đồng Nai. Anh Ba Tòng  cầm tờ báo nhìn hình CN Phạm Thị Liên in màu rất đẹp đầu trang bìa, xúc động nói: “Báo Cao su ưu ái Đồng Nai quá. Xin cảm ơn các nhà báo”, rồi anh gọi vợ đem bánh trái ra mời chúng tôi “ăn Tết trước”.

Rời Đồng Nai, xe phóng về trước cửa Tổng cục Cao su đúng lúc pháo nổ vang trời, Lãnh đạo Tổng cục đang đón mừng khách Trung ương, thành phố và chuyên gia Liên Xô đến chúc Tết. Chúng tôi tấp xe vào vỉa hè, từ chiếc xe bước xuống đường ai nấy áo quần, tóc tai đều nhuộm một màu bụi trần  “đất đỏ miền Đông”. Chủ nhiệm báo trong lễ phục cấp tướng rời bàn tiệc chạy ra bắt tay vui vẻ nói: “Chúc mừng năm mới! Chúc mừng các nhà báo Cao su đã hoàn thành nhiệm vụ”. Rồi với giọng thân mật, ông giục: “Các cậu đi tắm rửa nhanh lên mà vào dự tiệc đón xuân”… Đó là sự quan tâm của lãnh đạo Tổng cục.

Tôi nhớ lại lúc ông Ba Lê Duẩn đến thăm CN Cao su Đồng Nai, anh Đỗ Trình (thư ký của Tổng Bí thư) gọi tôi về cùng anh Ba Tòng tiếp  khách. Trong buổi chuyện trò, ông Ba khen ngợi động viên CN cao su Đồng Nai sản xuất giỏi và không quên nhắc đến tờ báo Cao su Việt Nam.

Tổng Bí thư nói: “…Tôi ước mơ Việt Nam ta phải làm được một triệu hecta cao su. Các nhà báo trong, ngoài ngành phải nỗ lực hỗ trợ  ngành cây công nghiệp cao su làm sao thực hiện cho được công trình to lớn đó”… Cho đến nay nhớ đến ước mơ của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, ngành đã phát triển cao su hầu khắp đất nước, đã đạt tới con số non nửa triệu hecta và hàng trăm ngàn CN. Tờ báo Cao su (Tạp chí Cao su Việt Nam hiện nay) đã góp phần nhỏ bé của mình để đáp lại sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Tập đoàn Công nghiệp Cao su VN.

Bước vào năm mới Mậu Tuất tôi rất tự hào và tin tưởng Tạp chí Cao su Việt Nam sẽ phấn đấu hết mình để phục vụ CN ngành cao su sản xuất ra hàng triệu tấn bạch kim (vàng trắng) làm giàu cho Tổ quốc.

Nhà văn Trần Công Tấn

                          ( Nguyên phụ trách báo Cao su Việt Nam )