CSVN Xuân – Dưới sự vận động của ông Ral Lan Hlem, đông đảo thanh niên của làng Kluh (xã Ia Boòng, Huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) tich cực tham gia trồng cao su để có được màu xanh như ngày hôm nay.
Được ông Lương Văn Quý, nguyên Chủ tịch Công đoàn Cao su Chư Prông giới thiệu về một nhân tố tiêu biểu trong phong trào khai hoang trồng cao su thời kỳ đầu, chúng tôi tìm đến ngôi nhà xây đã khá cũ kỹ nằm lọt thỏm giữa làng Kluh – xã Ia Boòng, cách trụ sở công ty chừng một cây số theo đường chim bay. Theo lời anh Lương Quang Hiến – Trưởng phòng Thi đua Khen thưởng Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông thì ngôi nhà này được công ty xây cho ông Ral Lan Hlem cách đây hàng chục năm về trước.
Ông Ral Lan Hlem – nguyên Chủ tịch Công đoàn, nguyên đội trưởng Đội 4 – Nông trường Cao su Chư Prông hiện đã trên 70 tuổi, nhưng trông khá rắn chắc, đang hì hục đảo những trái cà phê đang phơi. Sau câu chuyện giới thiệu về làng Kluh – một vùng đất khá nổi tiếng, ông bắt đầu kể cho chúng tôi về những ngày đầu đi phát rừng trồng cao su. Thời đó, dân làng Kluh nghèo khổ lắm, quanh năm bị thiếu ăn do chỉ biết làm nương rẫy chưa biết trồng cây lúa nước, nhiều gia đình phải vào rừng đào củ mài ăn nhiều ngày.
Ông Ral Lan Hlem là một trong số những người đầu tiên trong làng cùng với già làng Chuông được công ty tuyển dụng đi làm công nhân phát quang, dọn rừng, đào hố trồng những cây cao su đầu tiên. “Già làng Chuông cũng là người tích cực trong việc vận động thanh niên trong làng đi đào hố trồng cao su cho công ty. Ban ngày chúng tôi đi làm, đêm về đến từng nhà vận động thanh niên đi trồng cao su để có được miếng cơm ăn, cái áo mặc”, ông kể.
Còn rất minh mẫn, Ral Lan Hlem nhớ rõ, năm 1985 có 134 người từ già đến trẻ trong làng đi trồng cao su, năm 1986 thì tăng thêm 10 người, tất cả đều là người Jơ Rai. Tuy nhiên, trong 2 năm 1987 và 1988 thanh niên trong làng bỏ đi đãi vàng hết chỉ còn lại khoảng 60 người lớn tuổi còn làm cao su.
“Trước tình hình đó, lãnh đạo Nông trường Cao su Chư Prông đã điều động tôi từ một nhân viên của phòng bảo vệ về nhận nhiệm vụ Chủ tịch Công đoàn Đội 4, mục đích vận động trai tráng trong làng tiếp tục đi trồng cao su. Tôi kiên trì theo đuổi, thuyết phục trong suốt 4 năm từ 1988 – 1992 thì có được gần 90 thanh niên nam nữ trở lại với vườn cây, nâng tổng số người của làng Kluh làm công nhân cao su lên khoảng 150 người”, ông nhớ lại.
Ông bồi hồi chia sẻ những kỷ niệm không thể nào quên trong đời làm cao su những ngày đầu: “Khi mới đi trồng cao su trên tay chỉ có cuốc và xẻng, không có máy móc gì hết nhưng tinh thần bà con trong làng hết sức hăng say bởi đi đào hố được công ty cấp cho tiền, gạo, quần áo và một vài nhu yếu phẩm khác, giúp cho cuộc sống đỡ phần khốn khó. Mỗi ngày bình quân chúng tôi đào được 20 hố, cá biệt có ông Kpuih Bling đào được 70 hố trong một ngày trên đồi chữ A nay thuộc Đội 20 của Nông trường Thanh Bình. Những tấm gương đó đã giúp cho thanh niên trong làng ý thức hơn, noi gương và chịu khó đi làm hơn, từ đó bà con trong làng tích cực đi trồng cao su, làm việc nhiệt tình”.
Văn Vĩnh
Related posts:
- Thế hệ trẻ phải biết lấy mục tiêu để phấn đấu
- Một lòng theo nghiệp cao su
- Những cuộc đấu tranh tự phát
- Tấm gương nữ Đảng viên trẻ học và làm theo Bác
- "Tập đoàn đã đi đúng hướng"
- “Phong trào Luyện tay nghề - Thi thợ giỏi giúp tôi trưởng thành hơn”
- Tự hào lớn lên trong gia đình truyền thống
- "Nghĩa tình là sợi dây gắn bó người lao động với ngành"
- “Làm tốt việc của mình tức là đã học và làm theo Bác”
- Dòng chảy của đời người