Các dự án cao su tại Campuchia đã phát huy hiệu quả

CSVN Xuân – Năm 2017 là năm đánh dấu bước ngoặt mới của các dự án phát triển cao su của các công ty trực thuộc VRG tại Vương quốc Campuchia (CPC). Đây là năm các dự án này đưa vườn cây vào khai thác với quy mô lớn, chính thức chuyển sang giai đoạn khai thác – kinh doanh. Để rõ hơn về vấn đề này, PV Tạp chí Cao su VN đã có cuộc trao đổi với ông Trương Minh Trung – Phó TGĐ VRG, phụ trách các đơn vị khu vực CPC.
Vườn cây Công ty CPCS Chư Sê Kampong Thom
Vườn cây Công ty CPCS Chư Sê Kampong Thom.

VRG bắt đầu đầu tư trồng cao su tại khu vực CPC từ năm 2007,  hiện  quản  lý 15 công ty, đầu tư trực tiếp 19 dự án phát triển cao su tại các tỉnh Kratie, Ratanakiri, Kampong Thom, Monduul Kiri, Siem Reap, Oddar Meanchay, Preah Vihear, Stung Treng. Hiện nay, tại 8 tỉnh này VRG đang quản lý trên 89.614 ha cao su.

Năm 2016, VRG chính thức đưa vườn cây vào khai thác và đến nay có 8 đơn vị đang tổ chức  khai thác với tổng diện tích 13.096 ha. Sản lượng khai thác theo kế hoạch của năm 2017 gần 11.020 tấn, thu mua 600 tấn, tiêu thụ trên 10.000 tấn. Các đơn vị đã khai thác được 13.069 tấn, đạt 118,6% kế hoạch.

Bên cạnh nhiệm vụ đầu tư, phát triển cao su, trong những năm qua các đơn vị thành viên còn tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng xã hội như giao thông, điện, nước cũng như các công trình giáo dục, y tế, tôn giáo để phục vụ an sinh xã hội cho lực lượng lao động cũng như người dân trong và ngoài vùng dự án.

Đến nay, VRG đã đầu tư trong các vùng dự án cao su trên 3.000 căn nhà ở cho công nhân; đầu tư hơn 1,3 triệu USD cho hệ thống điện phục vụ sản xuất và dân sinh trong vùng dự án; xây dựng 295 giếng khoan và hệ thống nước sinh hoạt; 20 công trình trạm xá, 14 trường học; trên 3.500 km đường giao thông cấp phối, cầu cống các loại. Bên cạnh đó, các đơn vị thành viên còn đầu tư các công trình thể thao phục vụ đời sống tinh thần cho NLĐ như sân bóng chuyền, bóng đá, cầu lông…

– Như ông đã nói, từ năm 2018 – 2020 các dự án tại CPC sẽ đưa vườn cây vào khai thác khá lớn (từ 27.818 ha năm 2018 tăng lên 64.367 ha năm 2020). Trong khi đó, hiện nay, VRG chỉ có 2 nhà máy tại CPC đang hoạt động với công suất thiết kế 8.000 tấn/năm. Ông có thể cho biết kế hoạch đầu tư xây dựng nhà máy chế biến cũng như các giải pháp thu hút NLĐ đáp ứng yêu cầu khai thác cũng như chế biến tại các dự án ở CPC trong tương lai?

Ông Trương Minh Trung: Hiện nay, tại CPC VRG có 2 nhà máy chế biến gồm nhà máy Công   ty TNHH Hoàng Anh Mang  Yang  –  Ratanakiri  có công suất 5.000 tấn/năm (hoạt động cuối năm 2014) và nhà máy Công ty TNHH Phát triển Cao  su Tân Biên – Kampong Thom có công suất 12.000 tấn/năm đưa vào hoạt động cuối năm 2015.

Để đáp ứng nhu cầu sản xuất, hiện nay VRG tiếp tục xây dựng thêm nhà máy chế biến. Cụ thể, trong giai đoạn từ 2017 – 2019, xây dựng 1 nhà máy chế biến lớn tại Công ty CPCS Chư Sê – Kampong Thom với dây chuyền chế biến mủ SVR công suất 21.000 tấn/năm.

Cũng trong giai đoạn này, tại tỉnh Kratie, VRG sẽ đầu tư xây dựng nhà máy Công ty CPCS Đồng Phú – Kratie với công suất thiết kế 7.500 tấn/năm. Tiếp theo đó, sẽ triển khai, hoàn tất các thủ tục để đầu tư thêm một nhà máy tại tỉnh Kampong Thom. Đó là nhà máy Cao su Phước Hòa – Kampong Thom. Với lộ trình đó, chúng tôi khẳng định sẽ đáp ứng đủ nhu cầu chế biến của các đơn vị thành viên cũng như gia công thêm cho bên ngoài.

Về vấn đề lao động, phần lớn các dự án phát triển cao su tại CPC đều nằm ở vùng sâu, vùng xa, dân cư thưa thớt nên lực lượng lao động tại chỗ không thể đáp ứng nhu cầu SXKD của các đơn    vị ngay cùng một thời điểm. Những năm qua, các công ty cao su tại CPC đã cử người đi đến từng thôn, xã của nhiều tỉnh thành để tuyên truyền, vận động người dân vào làm công nhân cao su.

Song song đó, các đơn vị thành viên còn triển khai nhiều giải pháp để giữ chân NLĐ như chính sách tiền lương, xây dựng nhà ở, khu vui chơi, trường học, trạm y tế… và nhiều thiết chế văn  hóa khác. Tuy nhiên, tại CPC, việc khan hiếm lao động, đặc biệt là lao động có tay nghề kỹ thuật là rất phổ biến. Do đó, để có số lượng lao động lớn phục vụ cho công tác khai thác ngay cùng một thời điểm là điều không thể. Chính vì vậy  hầu  hết các đơn vị thành viên đều đang thực hiện giải pháp là mở cạo rải vụ cả năm – tức là tuyển lao động đến đâu đào tạo tay nghề đến đó và bố trí phần cây cạo.

Về phía VRG, chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục đề nghị các cấp có thẩm quyền tại CPC thực hiện các giải pháp tuyên truyền tích cực, có chính sách để khuyến khích NLĐ tham gia và gắn bó lâu dài với ngành cao su. Đồng thời kiến nghị Chính phủ CPC đồng ý cho tăng số lượng cán bộ kỹ thuật, trong thời gian cao điểm của mùa vụ cho phép điều động bổ sung lao động từ Việt Nam sang.

– Ông có thể chia sẻ một số thông tin về thị trường tiêu thụ sản phẩm cao su của các đơn vị   tại CPC?

Ông Trương Minh Trung: Tuy mới đưa vườn cây vào giai đoạn kinh doanh nhưng VRG đã có sự chuẩn bị và chỉ đạo kịp thời trong từng thời điểm. Chính vì vậy, tình hình tiêu thụ của các công ty cao su tại CPC đến thời điểm này là tương đối ổn định. Cụ thể tính hết năm 2017, các công ty tại CPC khai thác được 13.069 tấn thì tiêu thụ được 11.402 tấn, phần lớn đều đưa về Việt Nam tiêu thụ.

Để các công ty cao su tại CPC chủ động hơn trong việc tiêu thụ hiệu quả, ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm, chúng tôi sẽ chỉ đạo và hướng dẫn các đơn vị này triển khai các thủ tục cần thiết để đăng ký nhãn hàng tại nước bạn CPC. Sau khi đăng ký nhãn hàng xong thì trên các sản phẩm này ngoài logo của VRG sẽ có thêm nhãn hàng mà nhà nước CPC cấp. Song song đó, chúng tôi đề nghị phía CPC tạo điều kiện thuận lợi để các công ty  cao su thành viên tham gia Hiệp hội Cao su CPC. Với những bước đi như vậy, tôi tin tưởng rằng thị trường tiêu thụ của các đơn vị này sẽ được mở rộng trong tương lai.

Xin cảm ơn ông!

Ng. Cường (thực hiện)