CSVN Xuân – Bằng trách nhiệm, tình yêu với ngành cao su, CBCNV công tác trên nước bạn đã vượt qua khó khăn, dành cả tuổi trẻ, cùng niềm tâm huyết của mình đồng hành cùng sự phát triển của đơn vị, gầy dựng màu xanh cao su. Đầu Xuân 2018, hãy lắng nghe những chia sẻ, tâm tư để thêm hiểu, thêm trân trọng về những đóng góp ấy.
Không dễ dàng từ bỏ khi gặp khó
Nhảy việc nhiều lần sau khi tốt nghiệp Đại học nhưng rồi khi bén duyên với cao su, anh Phạm Văn Thông (Giám đốc NT Bachiang 3, Công ty CPCS Việt Lào), đã dành tất cả nhiệt huyết của tuổi trẻ để gắn bó với công việc.
Các đơn vị có được những thành quả như ngày hôm nay là nhờ vào tâm huyết, trách nhiệm của anh chị em CBCNVC – LĐ. Anh chị em ở Việt Nam sang công tác tại dự án đã gặp rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng vẫn luôn bám trụ, điều đó minh chứng cho tình yêu ngành yêu nghề sâu sắc, nhiệt huyết và dấn thân, một lòng vì sự nghiệp phát triển của ngành cao su”.
Ông Trần Ngọc Thuận – TGĐ VRG
Anh quyết định xin vào làm trong công ty không một chút đắn đo nhưng vừa sang đến nơi thì rất bất ngờ vì thực tại khác xa những gì đã hình dung. Không phương tiện đi lại, ngôn ngữ bất đồng, thời tiết lạnh thấu da thịt khiến anh thêm phần cô đơn nơi xứ người. Chỗ ở là phòng tranh tre rộng 8m², nhưng có đến 8 người ở chung. Thời gian đầu anh hơi sốc và có chút cảm giác thất vọng. Thế nhưng cảm giác đó trôi qua nhanh chóng.
Thiếu thốn mà vui, chính những người bạn trong căn phòng nhỏ ấy đã giúp anh có thêm động lực để ở lại. Biết được điều kiện sinh sống của anh tại Lào, gia đình khuyên anh nên về lại Việt Nam. Nhưng mới chỉ ba tháng cũng kịp để anh nhận ra mình không thể rời xa cao su.
Không phụ lại tấm lòng của anh và các anh chị em Việt Nam qua Lào làm việc, những lô cao su thẳng tắp xanh ngút ngàn phủ khắp một vùng đất rộng lớn của huyện Bachiang hứa hẹn tương lai tươi sáng cho những người còn tiếp tục gắn bó. Vườn cây cho năng suất cao đạt 2tấn/ha, sản phẩm đạt chất lượng, uy tín, tạo được lòng tin đối với khách hàng. Ngày anh qua Lào, thu nhập người dân bản xứ bấp bênh chỉ khoảng 500 ngàn kíp/tháng cho cả gia đình nhưng khi có dự án, người dân được thu tuyển vào làm công nhân cao su, mức lương họ nhận được hơn 2 triệu kíp/người/tháng. Chính những điều này đã giúp họ gắn bó với cao su.
Anh tâm sự: “Có lẽ khi lập nghiệp phương xa, ai cũng mong muốn trở về gần quê hương, gần gia đình. Nhưng với bản thân tôi thì Lào là quê hương thứ hai, vì tôi đã dành nhiều tâm huyết, dành cả thanh xuân của mình cho cây cao su của VRG trên nước bạn thì không dễ dàng gì tôi có thể bỏ”.
Điều kiện để cán bộ trẻ thử thách
Có lẽ khi quyết định nhận công tác trên nước bạn, điều trăn trở lớn nhất của mỗi người là gia đình. Với anh Nguyễn Quốc Tuấn (Giám đốc Nông trường 3, Công ty CPCS Đồng Nai – Kratie) cũng vậy. 18 tuổi, anh rời quê Quảng Bình vào Đồng Nai lập nghiệp. Cũng bắt đầu từ đó anh vào làm công nhân cao su tại Nông trường Thái Hiệp Thành, TCT CS Đồng Nai. Năm 2012 anh được điều động tăng cường sang Công ty CPCS Đồng Nai – Kratie công tác.
Nhận được lệnh, anh băn khoăn một thì vợ lo lắng mười. Chưa quen với cảnh một mình phải cáng đáng lo cho các con đang trong độ tuổi trưởng thành. Anh còn trẻ, còn muốn thử thách cho tương lai. Với lại, mười tám năm gắn bó với nghề, anh cũng đã xem cao su như là một phần cuộc sống của mình. Anh muốn đóng góp chút công sức vì sự phát triển cây cao su tại Campuchia. Nghĩ vậy nên anh làm công tác tư tưởng với vợ, hơn một năm trời, chị xuôi xuôi anh mới xách ba lô hăm hở qua vùng dự án.
Phát triển cao su ở nước bạn khó khăn gấp bội phần so với Việt Nam. Từ trụ sở công ty vào dự án cách 200 cây số, giao thông đi lại khó khăn, công việc thời gian đầu còn nhiều ngổn ngang, đôi lúc cái suy nghĩ “hay bỏ ngang để về Việt Nam” thoáng qua đầu anh, nhưng rồi trong gian khó mới biết ý chí, nghị lực của anh em trong đơn vị. Mọi người cùng chia sẻ, động viên nhau cố gắng, bởi đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là sự lựa chọn, là tâm huyết của mỗi người.
Đôi lúc thấy vợ ở nhà gánh trách nhiệm hai vai, vừa làm cha vừa làm mẹ chăm sóc, nuôi dạy hai con đang tuổi ăn tuổi lớn anh thấy thương hơn bao giờ hết. Nhưng rồi công việc cứ cuốn đi, đến nay cũng được 5 năm anh công tác tại Campuchia.
Anh tâm sự: “Đến nay vườn cây công ty cũng vào thời kỳ khai thác, cuộc sống của công nhân lao động tại địa phương ổn định hơn trước rất nhiều. Bản thân tôi cũng có nguyện vọng về Việt Nam công tác, mong VRG có chính sách luân chuyển cán bộ rõ ràng, đồng thời tạo điều kiện để cán bộ trẻ thử thách tại những nơi khó”.
Minh Nhiên
Related posts:
- Nghị lực của Pĩ
- Đỗ Minh Thành - Tấm gương trẻ năng động, sáng tạo
- 4 công nhân nhận giải Cao su Việt Nam: Có nhiều sự cống hiến cho sự phát triển của ngành
- Lan tỏa tinh thần yêu thương của tổ chức Công đoàn đến với người khó khăn
- Mưa và mùa cạo mủ
- Nữ chủ tịch công đoàn tâm huyết với nghề
- Vững một niềm tin
- Nhờ cố gắng đã về trước kế hoạch
- "Tuyên truyền giáo dục rất quan trọng với ngành cao su trong giai đoạn hiện nay"
- Tăng thu nhập từ trồng tiêu