Cao su miền núi phía Bắc – Dấu ấn 2017

CSVN Xuân – Theo đánh giá của ông Hứa Ngọc Hiệp – Phó TGĐ VRG, năm 2017 là năm cao su miền núi phía Bắc tạo dấu ấn khi diện tích đưa bào khai thác hơn 2.600 ha và được đánh giá cao về năng suất, kỹ thuật, bước đầu có kết quả khả quan.
Phó TGĐ VRG Hứa Ngọc Hiệp (thứ 3 từ trái qua) kiểm tra vườn cây khai thác Công ty CPCS Sơn La. Ảnh: Quỳnh Mai.
Phó TGĐ VRG Hứa Ngọc Hiệp (thứ 3 từ trái qua) kiểm tra vườn cây khai thác Công ty CPCS Sơn La. Ảnh: Quỳnh Mai.
2 đơn vị về trước kế hoạch

Nếu như năm 2016, VRG chủ trương cho các đơn vị mở cạo thử nghiệm, thời gian đầu vẫn còn nhiều ý kiến hoài nghi về hiệu quả của cây cao su tại các tỉnh miền núi phía Bắc (MNPB) thì năm 2017 ba đơn vị gồm Sơn La, Lai Châu, Điện Biên đã đưa diện tích lớn vào khai thác và bước đầu có kết quả khả quan.

Cây cao su tại MNPB góp phần thay đổi tập quán canh tác của bà con vùng cao. Để đáp ứng đủ lao động cho diện tích mở cạo, các đơn vị   đã kết hợp với Viện NCCS, Trường Cao đẳng CNCS tổ chức tập huấn, đào tạo tay nghề cho công nhân. Bà con đã trông chờ nhiều năm nên khi vườn cây đi vào khai thác, ai nấy đều rất phấn khởi, hào hứng.

VRG đã dựa vào năng lực vườn cây để giao kế hoạch (KH) sản lượng cho các đơn vị. Năm nay các đơn vị MNPB tích cực tham gia phong trào thi đua nước rút, hoàn thành vượt mức KH được giao. Và rất vui mừng khi cả 3 đơn vị khai thác tại MNPB đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức KH VRG giao. Trong đó, nổi bật là Công ty CPCS Lai Châu về trước KH 41 ngày (vượt KH Tập đoàn giao 170 tấn) và Công ty CPCS Điện Biên về trước 28 ngày (vượt KH Tập đoàn giao 50 tấn). Tại 2 đơn vị này cũng đã tổ chức Lễ công bố hoàn thành KH để báo cáo với địa phương và NLĐ về kết quả hoạt động sản xuất năm nay, khẳng định cây cao su không chỉ cho mủ mà còn cho mủ nhiều nếu khai thác đúng kỹ thuật. Chất lượng sản phẩm mủ của các đơn vị đều được đánh giá cao.

Bước đầu kết quả khả quan

Cây cao su chuyển từ thời kỳ KTCB sang khai thác cũng là lúc các đơn vị bắt đầu đi vào kinh doanh. Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn về thị trường giá bán, một số đơn vị còn thiếu lao động, tuy nhiên bằng nhiều biện pháp tổng hợp, năng động trong tổ chức quản lý và sự đồng lòng, đoàn kết của tập thể, các đơn vị bước đầu có những kết quả khả quan.

Vườn cây cao su Công ty CPCS Sơn La nhìn từ trên cao. Ảnh: Ng. Cường.
Vườn cây cao su Công ty CPCS Sơn La nhìn từ trên cao. Ảnh: Ng. Cường.

Tháng 12 vừa qua, VRG đã tổ chức Hội nghị nông nghiệp khu vực MNPB và Bắc Trung bộ với chủ đề Hướng đến tổ chức quản lý sản xuất – thu hoạch mủ hiệu quả. Tại Hội nghị các ban chuyên môn VRG và Viện NCCS đã có trao đổi về giải pháp kỹ thuật áp dụng cho thu hoạch mủ cao su, công tác bảo quản, vệ sinh và vận chuyển mủ cao su nguyên liệu tại các đơn vị MNPB để các đơn vị có thể chủ động trong tổ chức sản xuất đạt hiệu quả tốt nhất.

Đối với các đơn vị chưa đưa vào khai thác trong năm 2017 thì tập trung chăm sóc quản lý vườn cây. Sắp tới khi VRG cổ phần hóa sẽ sắp xếp lại các đầu mối quản lý, trong đó có việc sáp nhập các đơn vị nhỏ lại để tăng quy mô của một công ty, dễ dàng trong công tác quản lý và hoạt động SXKD.

Đối với NLĐ, các đơn vị rất quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ. VRG chủ trương cho NLĐ tăng cường trồng xen trên vườn cây KTCB để tăng thêm thu nhập, tăng hiệu quả sử dụng đất. Khi cao su đi vào khai thác thì ngoài tiền lương, NLĐ còn nhận được thêm tiền chia sản phẩm nếu có đất góp. Năm 2017, các đơn vị khai thác đã hoàn thành và vượt KH sản lượng đảm bảo lương thưởng cuối năm cho NLĐ. Bên cạnh đó, VRG và Công đoàn CSVN cũng có nhiều hoạt động chăm lo cho NLĐ các đơn vị MNPB đón Tết Mậu Tuất vui tươi, ấm áp.

Quỳnh Mai (ghi)