CSVN Xuân – Ngày Tết là dịp nghỉ ngơi, vui chơi sau 1 năm lao động, học tập. Nhưng với nhiều người, nhất là giới sinh viên (SV) thì đây là dịp để tranh thủ kiếm tiền trang trải học tập, nâng cao thu nhập, kinh nghiệm.
Tha hồ chọn việc
Thời điểm gần Tết, nhu cầu việc làm tăng cao, những công việc thời vụ không đòi hỏi hồ sơ phức tạp nên các bạn trẻ dễ dàng tìm được một công việc thích hợp để kiếm tiền. Một số công việc được nhiều SV lựa chọn là bán hàng, quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, giao hàng, phục vụ nhà hàng, quán ăn… và cả bảo vệ.
Những SV nhanh nhẹn, có khả năng giao tiếp tốt thường chọn công việc quảng cáo, giới thiệu sản phẩm. Bạn Phạm Ý Nhi – SV Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn cho biết: “Hiện tại em đang làm nhân viên giới thiệu sản phẩm cà phê ở siêu thị. Đây là việc làm theo ca, mỗi ca 8 giờ 150 ngàn đồng. Ngoài ra em còn tranh thủ thời gian còn lại đi phụ bán quần áo ở chợ đêm”.
Bạn Nguyễn Thùy Dung (SV Đại học Kinh tế) bán đồ lưu niệm cho một tủ hàng trước bưu điện thành phố: “Nhà ở Đà Nẵng, mỗi dịp Tết, tiền tàu xe vào ra hết bạc triệu, vậy nên em tranh thủ nán lại kiếm tiền xe và phụ mẹ sắm Tết. Ban ngày em làm ở đây 7 tiếng được 100 ngàn, tối thì phụ bán quần áo ở một cửa hàng thời trang trên đường Nguyễn Trãi. Năm trước em cũng đi làm thêm như vậy và kiếm được 6 triệu trong tháng giáp Tết”, Dung cho biết.
Nằm ở khu trung tâm thành phố, đường sách Nguyễn Văn Bình lúc nào cũng tấp nập. Đa số nhân viên bán sách và đồ lưu niệm ở đây là SV. Bạn Nguyễn Thị Phụng – SV Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn cho biết: “Với công việc bán sách, mỗi giờ em kiếm được 20 nghìn đồng. Trung bình 1 ngày làm 8 tiếng. Cố gắng làm cận Tết, về quê muộn, sẽ có một khoản tiền đủ để đi lại và đóng tiền học sau Tết”.
Làm thêm quên Tết
Trong khi nhiều bạn tranh thủ làm thêm trước Tết để kiếm tiền về quê thì còn không ít trường hợp SV quyết định ở lại thành phố làm trong những ngày Tết. Những ngày này mức lương sẽ được nhân lên, các bạn sẽ kiếm được số tiền kha khá để trang trải cho chi phí sinh hoạt và tiền học.
Bạn Lê Mạnh Hùng (SV Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm), hiện đang làm phục vụ ở một cửa hàng gà rán. Hùng là một trong số những SV sẽ ở lại thành phố làm Tết. Quê ở Nghệ An, mỗi lần về Tết tốn hơn hai triệu tiền xe. “Gia đình cũng khó khăn, bố mẹ làm nông vất vả, tiền học đôi khi còn thiếu, vậy nên em quyết định ở lại làm kiếm tiền, những ngày Tết lương sẽ được nhân ba, ráng làm rồi qua Tết sẽ về thăm bố mẹ”, Hùng chia sẻ.
Khi được hỏi về cảm giác khi đón Tết xa gia đình, Hùng cười buồn: “Em rất buồn vì nhớ nhà, nhưng nghĩ đến cảnh bố mẹ vất vả nên phải chịu”. Còn với bạn Nguyễn Thành An (SV Đại học Sài Gòn), hiện đang làm nhân viên giữ xe cho quán ăn thì đây sẽ là cái Tết thứ 2 xa gia đình. “Năm trước em ở lại làm thêm. Cả ngày đi làm thì bình thường nhưng tối về phòng trọ thì nhớ nhà lắm. Năm nay em định về quê nhưng là năm cuối đại học, nghĩ đến sau Tết còn tiền học, rồi tiền đi thực tế và đủ thứ chi phí nên đành ở lại, làm khoảng 3 tuần thời vụ Tết là đủ tiền học rồi”, An cho biết.
Theo chị Quỳnh – quản lý một cửa hàng gà rán, đa số nhân viên phục vụ ở đây là SV. Mỗi ngày có hai ca làm việc. Nhiều SV không về quê, ở lại làm Tết. Vì Tết xa nhà rất buồn nên các bạn thường xin làm cả ngày. Những trường hợp này sẽ được ưu tiên và được hưởng mức lương xứng đáng.
Kiếm tiền và nâng cao kỹ năng sống
Bạn Ngô Phương Linh (SV Đại học Hoa Sen) đang là nhân viên bán sách ở đường sách Nguyễn Văn Bình chia sẻ: “Trường vừa thi học kỳ xong, được nghỉ sớm nên em tranh thủ làm thêm ở đây. Một giờ làm được 16 ngàn đồng. Em học ngành “nhà hàng khách sạn” nên cần rèn khả năng giao tiếp. Làm việc ở đây được tiếp xúc với nhiều người. Từ việc trò chuyện, giao lưu với khách hàng, khả năng giao tiếp, ứng xử của em được cải thiện hơn”. Còn bạn Nguyễn Phúc Thịnh (SV Đại học Công nghệ), hiện đang làm bảo vệ du lịch ở khu nhà thờ Đức Bà cho biết: “Em làm ở đây được hơn một tháng rồi, mỗi ngày làm 4 tiếng được trả 100 ngàn đồng. Công việc chính của em là bảo vệ, giúp đỡ khách du lịch nước ngoài, giải đáp thắc mắc, chỉ đường và dẫn khách du lịch qua đường. Tuy là bảo vệ nhưng thường xuyên phải giao tiếp, giải đáp thắc mắc bằng tiếng Anh với khách du lịch. Lúc đầu em rất ngại do vốn ngoại ngữ không nhiều. Nhưng sau một tháng làm việc, khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh của em nâng lên rõ rệt. Điều này giúp ích rất nhiều cho công việc sau này của em”.
Còn với Thu Hoa (SV ĐH Tài chính – Marketing), thì “sau một khoảng thời gian phụ bán quần áo, em rèn được tính kiềm chế trước những khách hàng khó tính và sự nhanh nhẹn, khả năng thuyết phục khách hàng. Điều này giúp ích rất nhiều trong công việc sắp tới khi ra trường của em”.
Làm thêm trong dịp Tết mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho SV, bên cạnh đó còn mang lại nhiều kinh nghiệm, khả năng giao tiếp, ứng xử cũng như những kỹ năng sống cần thiết cho bản thân. Điều này giúp cho các bạn trưởng thành hơn và quen dần với môi trường làm việc để sẵn sàng cho những công việc trong tương lai.
Đào Phong
Related posts:
- Hội thao CNVC-LĐ 2018: Thi đấu 8 môn tại 5 khu vực
- Lốp xe “lăn bánh” trên sân cỏ
- Sẽ bổ sung, điều chỉnh điều lệ Hội thao
- “Màu xanh tôi yêu” - mạch nguồn cuộc sống!
- Trên 200 vận động viên tham gia Hội thao khu vực 1
- Nhắc ngay cộng đồng
- Đừng nghỉ việc hưởng lợi trước mắt!
- Nghe anh hát trên nông trường
- Chung kết cầu lông đôi nam Hội thao khu vực 1
- Tạp chí CSVN luôn là người bạn thân thiết đồng hành