CSVN Xuân – Từ những triền đất dốc ở Tây Bắc đến những bờ lô hợp thủy ở Tây Nguyên, từ những vườn cây đã khép tán ở miền Trung đến vườn cây tái canh ở miền Đông Nam bộ, vườn cây trồng xen canh không chỉ mang lại niềm vui, niềm phấn khởi cho người trồng mà còn làm tăng giá trị sử dụng đất và giảm suất đầu tư nông nghiệp cho doanh nghiệp.
Hiệu quả từ chủ trương đúng
Đến Đội 3, NT Trà Thanh (Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long) những ngày cuối năm, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy những CN chăm sóc cùng với gia thuộc đang hối hả thu hoạch những thảm lúa cuối cùng của mùa vụ năm nay. Xen lẫn những hàng cao su mới trồng giữa năm 2017 đang đâm chồi nảy lộc là những thảm rạ được cắt phẳng trông thật đẹp mắt. Phía dưới mỗi gốc cây cao su non được tủ một lớp rơm đủ để tủ ẩm tránh cái nắng chói chang của mùa khô này.
Gặp gỡ những người công nhân (CN) đang thu hoạch “dãy lúa” cuối cùng của mình, chúng tôi mới thấy hết giá trị mà công sức của người lao động (NLĐ) bỏ ra. Mặc dù đã gần giờ ngọ nhưng chị Thị Đê và những thành viên trong gia đình vẫn tranh thủ làm cho xong công việc dở dang của mình. Thị Đê là CN chăm sóc Đội 3, NT Trà Thanh. Cũng như năm 2015, 2016, năm nay chị tiếp tục trồng 4 ha lúa nương trên diện tích nhận chăm sóc.
Gạt những giọt mồ hôi trên khuôn mặt rám nắng, chị hớn hở khoe: “Năm nay cũng được mùa chú ạ, chẳng biết thu hoạch được bao nhiêu cân nhưng chắc cũng được 30 bao lúa đầy. Chừng đó cũng giúp cho gia đình 5 người chúng tôi không phải mua gạo để ăn!”. Chị cho biết thêm, lương CN chăm sóc của chị chỉ từ 3 đến 5 triệu đồng/tháng tùy từng ngày công, vậy nên, khi được lãnh đạo NT Trà Thanh tạo điều kiện cho mượn đất trồng xen canh trên vườn cây chăm sóc, đời sống gia đình đã ổn định hơn nhiều vì mỗi năm thu hoạch được 20 đến 35 bao lúa.
Hồi tháng 4/2017, chúng tôi có dịp thăm cơ ngơi của gia đình CN khai thác là anh La Văn Báu, NT Suối Cát, Công ty CPCS Sa Thầy. Con đường vào “trang trại” nhỏ vườn – ao – chuồng gia đình anh Báu thật lắm gian nan. Leo lên một con dốc cao, rồi men theo đường mòn được che phủ bởi những hàng cao su xanh dọc theo triền đồi. Xuống đến chân dốc, đập vào mắt chúng tôi là một thung lũng nhỏ có hồ nước nằm giữa “rừng” cao su. Phía trên mặt hồ là bầy vịt bơi theo hình mũi tên tạo thành làn sóng êm ả. Phía xung quanh bờ là những buồng chuối, những cây mít trĩu quả.
Vừa cho bầy gà ăn anh La Văn Báu vừa kể: “Trước kia vợ chồng tôi đi làm mướn ở Gia Lai nên thu nhập không cao. Năm 2012 chúng tôi lên đây xin vào làm CN cao su, ngoài tiền lương hàng tháng lãnh đạo công ty còn tạo điều kiện để gia đình tôi trồng ngô, trồng lúa, trồng đậu trong vườn cây KTCB. Khi cao su khép tán, lãnh đạo công ty cho chúng tôi mượn bờ lô hợp thủy không trồng được cao su để tận dụng nuôi heo, bò, gà, vịt, cá và trồng chuối quanh bờ nên hiện nay gia đình tôi khá giả hơn nhiều”.
Trở lại Công ty CPCS Sơn La sau 10 năm xây dựng và phát triển, chúng tôi không chỉ tận mắt chứng kiến dòng nhựa trắng đã chảy nơi miền Tây Bắc, đánh dấu sự thành công bước đầu của dự án, mà còn thấy được sự đổi thay đến không ngờ của người dân nơi đây, đặc biệt là những CN và các hộ dân góp đất trồng cao su.
Cũng như các đơn vị khác trong ngành, để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, nâng cao thu nhập cho NLĐ, lãnh đạo Công ty CPCS Sơn La đã vận động CN tham gia trồng xen canh trên vườn cây kiến thiết cơ bản. Không chỉ vậy, đơn vị này còn tạo điều kiện cho các hộ dân lân cận mượn đất trồng xen canh. Đổi lại, những hộ này phải có trách nhiệm, bảo vệ vườn cây và tài sản trên đất, đồng thời phải chọn những cây trồng phù hợp mà công ty đã quy định.
Trường hợp của gia đình ông Cà Văn Lanh – người dân được Công ty CPCS Sơn La cho mượn đất là một điển hình. Ông Lanh được công ty cho mượn 3 ha đất, mặc dù cao su đã khép tán nhưng nhờ chọn cây trồng phù hợp nên cả cây xen canh lẫn cao su đều phát triển rất tốt. Ông Lanh chia sẻ: “Nhờ trồng cỏ để nuôi bò trong lô cao su, sau khi trừ chi phí, hàng tháng gia đình tôi lãi 6 triệu đồng”.
Tiếp tục đẩy mạnh trồng xen canh
Theo lãnh đạo Công ty CPCS Sơn La, đây là mô hình không chỉ tạo điều kiện cho NLĐ cũng như một số người dân trong vùng dự án nâng cao thu nhập. Đồng thời, khi NLĐ tham gia trồng xen canh không chỉ chăm sóc, bảo vệ vườn cây tốt hơn mà còn góp phần nâng cao giá trị sử dụng đất. Chính vì lẽ đó, ngoài những vườn cao su được trồng xen canh các loại cây như: đậu, lúa, cỏ nuôi bò, cà phê… mà còn nuôi cả ong lấy mật.
Ông Lê Văn Thủy – Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long chia sẻ, trong những năm gần đây, Công đoàn cùng với lãnh đạo công ty đã đẩy mạnh việc vận động, hỗ trợ NLĐ tham gia trồng xen canh, giúp NLĐ nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Qua phong trào này nhiều hộ CN có thu nhập khá cao, trong đó có cả lao động là người dân tộc thiểu số.
Không chỉ NLĐ trong công ty nhận đất trồng xen canh mà công ty còn phối hợp với các tổ chức cá nhân khác trồng xen canh các loại cây khác như keo lai, chuối. “Thấy được hiệu quả đó, hiện nay chúng tôi đang có chủ trương cho các hộ CN vay vốn không tính lãi để đầu tư trồng xen canh trên đất cao su”, ông Lê Văn Thủy nhấn mạnh.
Nhằm nâng cao tối đa hiệu quả sử dụng đất, ngay từ đầu thành lập Công ty CPCS Sa Thầy đã tạo điều kiện rất lớn cho CN của mình trồng xen canh trên đất cao su bằng các loại cây trồng phù hợp như lúa, đậu, bắp… Chính vì vậy, từ những người dân các tỉnh thành khác lên vùng biên lập nghiệp với 2 bàn tay trắng nay đã có cuộc sống ổn định, trong đó có nhiều hộ khá giả.
Ông Bùi Minh Phú – Phó Chủ tịch Công đoàn công ty cho biết: “Hiện nay nhiều diện tích cao su đã đưa vào khai thác hoặc đã khép tán, không thể trồng được các cây xen canh ngắn ngày, lãnh đạo công ty đã cho các hộ CN mượn các bờ lô hợp thủy không thể trồng được cao su để phát triển kinh tế gia đình”.
Được chứng kiến các mô hình hay, những quả ngọt sau những giọt mồ hôi của NLĐ trên mọi miền Tổ quốc, chúng tôi tin rằng, chủ trương trồng xen canh nâng cao hiệu quả sử dụng đất của lãnh đạo VRG là hoàn toàn đúng đắn. Và trong bất kỳ giai đoạn nào, hoàn cảnh nào đi nữa thì chủ trương này sẽ còn nguyên giá trị.
Ng.Cường
Related posts:
- Tổng Công ty Cao su Đồng Nai: Chuyển đổi số toàn diện tạo nền tảng cho sự đột phá và tăng trưởng
- Những "nữ tướng kỹ thuật" trên vùng đất Tây Nguyên
- Gỗ MDF VRG Kiên Giang vượt khó về đích sớm 30 ngày
- Cao su Mang Yang tổ chức Hội thi ảnh chào mừng 40 năm ngày thành lập công ty
- Làng công nhân cao su Tân Hưng: Điểm sáng giữa núi rừng
- Chư Sê Kampong Thom: Nỗ lực vượt bật trong công tác trồng mới
- "Vượt nắng thắng mưa" trên từng lô cao su
- Thi đua sôi nổi nhờ lương thưởng cao
- Cao su trên quê hương Bác và dòng nhựa trắng xây đời
- Cao su Chư Prông tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc