Chẩn đoán trực tuyến dịch hại trên cây cao su

CSVN Xuân – Vừa qua, Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam đã xây dựng website “Chẩn đoán dịch hại trên cây cao su” nhằm giúp người làm công tác nghiên cứu, cán bộ kỹ thuật, nông dân có thể tham khảo hoặc chẩn đoán nhanh các loại dịch hại phổ biến trên cây cao su và phòng trị kịp thời, đúng cách, đạt hiệu quả cao.
Giao diện trang chủ của trang mạng “Chẩn đoán dịch hại trên cây cao su”
Giao diện trang chủ của trang mạng “Chẩn đoán dịch hại trên cây cao su”

Bên cạnh mục tiêu là nơi thiết lập và duy trì cơ sở dữ liệu khoa học trực tuyến về dịch hại cây cao su, website cũng là địa chỉ tin cậy giúp người dùng cập nhật thông tin trực tuyến về dịch hại mới, dự tính dự báo tình hình dịch hại trên cây cao su. website này còn là môi trường trao đổi thông tin, nâng cao hiểu biết về dịch hại trên cây cao su cho các cá nhân, tổ chức trồng cao su tại Việt Nam.

Người sử dụng có thể truy cập website chẩn đoán dịch hại trên cây cao su bằng cách nhấp chọn vào hình ảnh liên kết có dòng chữ “CHẨN ĐOÁN DỊCH HẠI CÂY CAO SU” ở giao diện trang chủ của website VRG (http://www.vnrubbergroup.com hoặc https://www.rubbergroup.vn), hoặc truy cập trực tiếp vào địa chỉ https://chandoanbenhonline.rubbergroup.vn

Khi truy cập website, người sử dụng có nhiều cách để tra cứu một loại dịch hại chưa biết trên cây cao su. Các tiện ích quan trọng nhất bao gồm tự chẩn đoán, hỗ trợ chẩn đoán và cảnh báo dịch hại. Các loại dịch hại được phân chia thành các nhóm như: bệnh trên lá, bệnh trên thân và cành, bệnh trên mặt cạo, bệnh trên rễ, bệnh do yếu tố thời tiết hoặc các tác nhân phi sinh vật khác, động vật gây hại trên vườn cao su với nhiều hình minh họa thực tế được cập nhật mới, giúp người dùng dễ dàng xác định đúng loại dịch hại và biện pháp xử lý cho vườn cao su của mình. Ngoài ra, website cũng cung cấp thêm các thông tin về cỏ dại, thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trong ngành cao su, các văn bản chỉ đạo, quy định, quyết định của VRG.

Để tham khảo toàn bộ danh mục bệnh trên cây cao su, người sử dụng nhấp chuột vào thẻ “chẩn đoán” hoặc thẻ “tự chẩn đoán”.
Để tham khảo toàn bộ danh mục bệnh trên cây cao su, người sử dụng nhấp chuột vào thẻ “chẩn đoán” hoặc thẻ “tự chẩn đoán”.

Trong bối cảnh diện tích cây cao su phát triển mở rộng trên nhiều vùng sinh thái công với tình trạng biến đổi khí hậu, dẫn đến diễn biến của các loại dịch hại ngày càng phức tạp. Để đáp ứng được yêu cầu mới, hệ thống mạng lưới bảo vệ thực vật trong ngành cần được củng cố, nâng cấp, thông tin liên lạc phải nhanh và chính xác hơn. Website chẩn đoán dịch hại trên cây cao su với kỳ vọng là một công cụ có thể góp phần thực hiện được các yêu cầu nêu trên.

Các triệu chứng của từng loại bệnh được mô tả ngắn gọn, đặc trưng nhất giúp người sử dụng dễ dàng xác định loại bệnh trên vườn cây của mình
Các triệu chứng của từng loại bệnh được mô tả ngắn gọn, đặc trưng nhất giúp người sử dụng dễ dàng xác định loại bệnh trên vườn cây của mình.

Đoàn Nhân Luân, Nguyễn Anh Nghĩa

(Bộ môn Bảo vệ Thực vật – Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam)