CSVN – Mỗi câu chuyện dân gian đều có một thông điệp riêng, mang chức năng nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ và giao tiếp. Bằng hình thức thú vị và độc đáo, phim hoạt hình “Con Rồng cháu Tiên” của đạo diễn Leo Đinh đã “chạm” tới người xem, vun đắp tình yêu nguồn cội.
Lan tỏa văn hóa dân gian
“Con Rồng cháu Tiên” là truyền thuyết có nhiều chi tiết kỳ ảo, hoang đường được lưu truyền trong dân gian nhằm giải thích, suy tôn nguồn gốc giống nòi, thể hiện tinh thần đoàn kết và niềm tự hào thống nhất cộng đồng của người Việt từ buổi sơ khai: “Lạc Long Quân và Âu Cơ đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng”…
Nhưng không phải thời đại nào cũng có thể hiểu thấu đáo giá trị cốt lõi mà người xưa muốn chuyển tải. Nhu cầu thưởng thức giá trị văn hóa thay đổi, nhu cầu thẩm mỹ ngày một nâng cao, vì thế việc lý giải nguồn gốc tổ tiên, cội nguồn dân tộc không đơn giản chỉ là những câu chuyện đơn thuần mà rất cần sự sáng tạo để thẩm thấu giá trị cốt lõi trở thành yêu cầu bức thiết. Trong bối cảnh hiện nay, giữa muôn ngàn ấn phẩm giải trí hiện đại, phim hoạt hình nước ngoài hoành tráng, liệu có còn chỗ đứng cho câu chuyện truyền thuyết xa xưa?
Để thực hiện “kể xưa bằng giọng nay”, bộ phim hoạt hình dài 23 phút “Con Rồng cháu Tiên” của đạo diễn Leo Đinh đã làm mới, thổi một làn gió hiện đại vào chuyện xưa tích cũ, làm cầu nối lan tỏa văn hóa dân gian với nhiều bài học ý nghĩa đến thế hệ trẻ Việt.
Khơi dậy tình yêu giống nòi
Chuyện không đơn thuần chỉ là cảnh buổi đầu sơ khai Rồng Tiên gặp gỡ và kết duyên cùng nhau sinh ra bọc trăm trứng theo lối kể thông thường “Ngày xửa ngày xưa…”, mà dẫn dắt người xem đến thế giới kỳ ảo, khung cảnh thơ mộng hữu tình, những khuôn hình độc đáo để tô đậm tính cách các tuyến nhân vật dù là nhân vật chính diện hay phản diện… Tất cả những chi tiết kỳ ảo đều mang đến cho người xem một thông điệp riêng, từ đó vun đắp tình yêu nguồn cội.
“Con Rồng cháu Tiên” giúp người xem lớn hơn về nhận thức, khơi dậy tinh thần yêu quý tự hào nguồn gốc dân tộc, nhân rộng trong mỗi thế hệ lòng tri ân, biết ơn những người đã tạo nên hình hài đất nước. Là tình yêu thương, sự gắn kết tinh thần trách nhiệm “gắn bó và san sẻ”. Và những giá trị tinh thần ngàn đời ấy khơi dậy lòng tự hào cội nguồn dân tộc trong mỗi chúng ta.
Trong xu thế hiện nay, việc tiếp cận văn bản qua sách giáo khoa còn mang tính chiếu lệ, hình thức, nhiều thế hệ học sinh còn mơ hồ về hình tượng nhân vật trong thế giới truyền thuyết. Vì thế, muốn học sinh có thể tiếp cận trọn vẹn kiến thức lịch sử, khơi dậy tình yêu giống nòi, tinh thần dân tộc, chỉ có thể bằng con đường nghệ thuật hóa. Kỹ xảo điện ảnh, ngôn ngữ âm nhạc là con đường ngắn nhất để thế hệ trẻ hiểu giá trị cốt lõi mà truyền thuyết muốn chuyển tải. Và bộ phim hoạt hình “Con Rồng cháu Tiên” đã làm được điều ấy.
Nguyễn Nguyên
Related posts:
- Tết Chôl Chnăm Thmây 2019 vui hơn mọi năm
- Long thần tướng - Lôi cuốn một câu chuyện dã sử
- Ngủ ngon
- "Ánh sáng từ dòng vàng trắng" lần thứ VI - năm 2024
- Lãnh đạo VRG chúc mừng ngày 8/3
- Đi tìm "cái chữ" cho bà con
- Cao su Hà Giang đoạt giải nhất Hội diễn khu vực I
- “ÁNH SÁNG TỪ DÒNG VÀNG TRẮNG” LẦN THỨ VI - NĂM 2024
- "Đa số người lao động đều thuộc các bài hát về ngành cao su sau Liên hoan"
- Bình luận của độc giả trên báo điện tử: Không thể là "vườn hoang"