CSVN – Nhắc đến Trần Thanh – Phó Trưởng Bộ môn giống, Viện Nghiên cứu Cao su VN (Viện NCCS VN), CBCNV VRG vốn quen thuộc với hình ảnh của một tiến sĩ trẻ, giỏi, có nhiều đóng góp trong lĩnh vực công tác và thường xuyên xuất hiện ở các Hội nghị cao su quốc tế với vai trò là một nhà nghiên cứu, nhà khoa học của Viện NCCS VN.
Luôn phấn đấu học tập và nghiên cứu
Vào công tác tại Viện từ đầu năm 2002, suốt 16 năm công tác trong ngành cao su, anh luôn tâm niệm rằng mình phải làm việc tròn trách nhiệm, luôn phấn đấu, nỗ lực hết mình trong học tập và trong công tác nghiên cứu. 4 năm sau khi về Viện làm việc, anh được lãnh đạo Viện tin tưởng giao chủ nhiệm đề tài cấp Viện là Nghiên cứu đa dạng di truyền quỹ gen cây cao su bằng kỹ thuật RAPD – PCR. Sau thành công của đề tài này anh được cử đi học thạc sĩ tại Malaysia. Mới một năm học tập xứ người, Trường Đại học Putra đã đề nghị anh chuyển thẳng lên học tiến sĩ. Tháng 8/2011, anh bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ ngành Công nghệ sinh học.
Anh được Viện giao nhiệm vụ liên hệ và trực tiếp tiến hành việc trao đổi giống cao su đa phương, song phương với các Viện NCCS trên thế giới. Kết quả đã nhập khẩu thành công 8 giống từ Ấn Độ và 5 giống từ Thái Lan. Anh đang xúc tiến các thủ tục trao đổi giống với một số quốc gia khác như Pháp, Indonesia… Anh có 7 bài báo khoa học được đăng tải trên tạp chí chuyên ngành quốc tế và một bài thuyết trình tại hội nghị chuyên ngành tổ chức tại Malaysia và hướng dẫn chính luận văn thạc sĩ cho 13 cán bộ kỹ thuật các công ty cao su thuộc VRG.
Trong quá trình công tác, anh là chủ nhiệm đề tài cấp Bộ NN& PTNT về Nghiên cứu nhân giống vô tính cây cao su bằng phương pháp nuôi cấy mô. Chủ nhiệm công trình của các đề tài cấp Bộ như: Lưu giữ nguồn gen cây cao su; Nghiên cứu chọn tạo giống cao su có năng suất 3 – 3,5 tấn/ha/năm và nhiều đề tài, công trình cấp Viện.
Mong muốn ứng dụng kiến thức đã học vào thực tiễn
Với những thành tích nổi trội trong công tác, anh nhận được nhiều bằng khen của Viện, VRG, TW Đoàn và mới đây nhất trong năm 2017, anh nhận giải thưởng Sao vàng Cao su. Anh chia sẻ: “Tôi luôn tự nhủ với bản thân là phải tiếp tục rèn luyện, phấn đấu nhiều hơn nữa để xứng đáng với sự kỳ vọng của lãnh đạo các cấp. Được cử đi đào tạo chuyên sâu về công nghệ sinh học tại Malaysia trong 4 năm, tôi muốn ứng dụng những kiến thức học được trong công tác tạo tuyển giống cao su với sự hỗ trợ của các kỹ thuật sinh học hiện đại nhằm hạn chế sự rủi ro và đảm bảo tính ổn định của giống sau khi giống được khuyến cáo đại trà”.
[cow_johnson general_float=”center”]Thời thơ ấu, cậu con trai út trong gia đình 6 người con sau mỗi giờ học thường đi đào sắt vụn, nhặt hạt cao su về bán để phụ mẹ và kiếm tiền mua sách vở. Cũng chính những ngày tháng tuổi thơ gian khó giúp anh nhận ra chỉ có con đường học tập mới giúp anh làm chủ cuộc đời. Và tất cả những phấn đấu không mệt mỏi ấy đã giúp anh được như ngày hôm nay.[/cow_johnson]Với sự hỗ trợ của lãnh đạo các cấp, anh và các đồng sự bước đầu gặt hái được một số thành quả nhất định, đã và đang từng bước ứng dụng thành công các kỹ thuật hóa sinh, các kỹ thuật sinh học phân tử trong công tác tuyển chọn giống cao su tại Viện với mục tiêu cụ thể là tuyển chọn được những giống cao su năng suất cao và ổn định trong cả chu kỳ khai thác, phù hợp với từng tiểu vùng khí hậu cụ thể. Đặc biệt là có khả năng chống chịu khô hạn trong giai đoạn biến đổi khí hậu nghiêm trọng như hiện nay.
Quỳnh Mai
Related posts:
- Chị Điểu Thị Gái - công nhân tiêu biểu vinh dự nhận giải thưởng "Cao su Việt Nam"
- Tổ trưởng năng động, gương mẫu
- Bình tĩnh, tự tin, quyết tâm cao nhất
- Nhiệt huyết của người thầy trên cao su miền núi phía Bắc
- 15 năm làm đội trưởng
- Những đôi tay vùng cao làm cao su
- Góc nhìn khác về một con người tận tâm vì công việc
- "Càng khó khăn, càng phải đoàn kết"
- Giải cao nhờ đường cạo đẹp
- Nhận thưởng hàng chục triệu đồng nhờ vượt sản lượng cao nhất