Làng công nhân cao su Tân Hưng: Điểm sáng giữa núi rừng

CSVN – Chúng tôi đến Làng công nhân (CN) Nông trường (NT) Tân Hưng, Công ty CPCS Đồng Phú vào một ngày giữa tháng 12, trong không khí phấn khởi thi đua nước rút cuối năm. Làng CN cao su Tân Hưng là mái nhà thứ hai của CN xa xứ, là nơi ươm mầm xanh từ những ngày đầu thành lập NT.
Cổng chào khu nội trú CN cao su NT Tân Hưng
Cổng chào khu nội trú CN cao su NT Tân Hưng
2 khu với hơn 350 công nhân sinh sống

NT Tân Hưng được thành lập ngày 4/8/2005, đến nay NT có 1.351 ha cao su khai thác. Lao động tại NT đa số là người dân tộc thiểu số (chiếm gần 80%), chủ yếu là dân tộc H’Mông đến từ các huyện miền Tây xứ Nghệ như huyện Kỳ Sơn, huyện Tương Dương – tỉnh Nghệ An.

Do đặc thù là một NT ở vùng sâu vùng xa, lực lượng lao động chủ yếu là người dân tộc thiểu số đến từ các địa phương khác, vì vậy để tạo điều kiện cho NLĐ được “an cư lạc nghiệp”, công ty và NT đã chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng, nhà ở cho CN ngay  từ lúc những ngày đầu thành lập. Hiện tại, đã có 2 khu làng CN cao su với tổng cộng 82 căn nhà xây kiên cố cho hơn 350 CN sinh sống, làm việc. Đơn vị đã xây dựng đầy đủ hệ thống cấp nước sinh hoạt miễn phí, hoàn thiện mạng lưới điện đấu nối với điện lưới quốc gia và hệ thống đường trải nhựa trên toàn bộ các tuyến đường khu nội trú.

Bước chân vào khu nội trú sẽ bắt gặp những công trình cổng chào được trang trí đẹp và ấn tượng. Đi kèm với đó là những câu khẩu hiệu được bố trí xung quanh để tăng cường giáo dục tuyên truyền cho NLĐ sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật, chấp hành nội quy của đơn vị đề ra. Tại các dãy nhà đều treo cờ Tổ quốc đồng loạt để thể hiện tính văn minh và trang trọng.

Làng CN cao su Tân Hưng nhìn từ xa.
Làng CN cao su Tân Hưng nhìn từ xa.

Ông Đinh Văn Hân – Bí thư Đảng bộ, Chánh văn phòng NT Tân Hưng, Cao su Đồng Phú, cho biết: “Việc xây dựng, duy trì và phát triển khu nội trú cho CN, NLĐ thể hiện quyết tâm và định hướng phát triển lâu dài của đơn vị, tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất cho NLĐ yên tâm sinh sống và làm việc lâu dài, hoàn thành mọi nhiệm vụ, cống hiến cho sự phát triển bền vững của đơn vị”.

Chủ tịch Công đoàn Cao su VN Phan Mạnh Hùng đánh giá: “Làng CN NT Tân Hưng, Cao su Đồng Phú là hình mẫu để năm 2018, Công đoàn Cao su VN phối hợp với các đơn vị xây dựng thêm nhiều làng CN. Để làng CN không chỉ là nơi ở, sinh hoạt mà thực sự là mái nhà ấm áp cho NLĐ”.

Mái ấm của công nhân xa xứ

Tại các khu nội trú, đều có sự kết hợp giữa các tổ chức đoàn thể (Công đoàn và Đoàn thanh niên) trong việc duy trì hoạt động, chấp hành các nội quy, thường xuyên dọn dẹp phát quang các tuyến đường, giữ gìn vệ sinh chung, chấp hành nghiêm chỉnh giờ giấc ra – vào… Ở mỗi khu đều có lực lượng bảo vệ chịu trách nhiệm duy trì an ninh trật tự và thực hiện các công việc liên quan tới quản lý hồ sơ nhân khẩu, hộ khẩu, liên lạc thường xuyên với các cơ quan chức năng trên địa bàn xã đóng chân.

Ngoài ra, Trạm y tế NT tích cực tham gia vào công tác chăm sóc sức khỏe cho NLĐ và con em của họ, phối hợp thường xuyên với bệnh viện công ty và trạm y tế cấp xã trên địa bàn, để kịp thời thực hiện các chương trình chăm sóc sức khỏe cho CN.

Sân bóng chuyền trong Làng công nhân cao su Tân Hưng luôn đông vui vào mỗi buổi chiều sau giờ làm việc
Sân bóng chuyền trong Làng công nhân cao su Tân Hưng luôn đông vui vào mỗi buổi chiều sau giờ làm việc

Nhằm nâng cao sức khỏe, thể chất, đời sống tinh thần, đơn vị cũng xây dựng các sân bóng chuyền cho CN chơi thể thao vào mỗi buổi chiều sau những ngày làm việc vất vả và khu nhà sinh hoạt tập thể kiên cố cho việc tổ chức các buổi họp và hội nghị, các hoạt động giao lưu VHVN.

Bảng hiệu tuyên truyền được gắn khắp nơi trong Làng cao su Tân Hưng.
Bảng hiệu tuyên truyền được gắn khắp nơi trong Làng cao su Tân Hưng.

Công đoàn NT còn hỗ trợ cây giống cho CN trồng cây ăn quả và cây xanh toàn diện khắp nơi trong khu nội trú để tạo cảnh quan, NLĐ tăng gia sản xuất trồng rau xanh và chăn nuôi thêm các loại gia cầm để một phần tăng thêm thu nhập và cải thiện bữa ăn hàng ngày. Hj Phun – CN khai thác ở tổ 7, đội 3, NT Tân Hưng, chia sẻ: “Hai vợ chồng mình quê ở bản Nậm Khiên, xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An vào làm CN cao su được 6 năm rồi. Tụi mình ở trong làng CN cao su rất vui! Làng CN như mái nhà thứ hai của mình. Mỗi năm mình về quê một lần, gần Tết là NT cho xe đưa tụi mình về tận Nghệ An, qua Tết xe lại đón vào Nam”.

Sau những ngày làm việc vất vả giữa những đồi cao su, về tới khu nội trú CN cao su như quên đi mọi vất vả, được về với ngôi nhà thân yêu. Hình ảnh,  anh CN bế con ra dạo mát trước hiên nhà, không khí thoáng đãng và mát mẻ, chiều muộn, đèn điện lung linh – một “điểm sáng” giữa vùng núi rừng bình yên.

Nguyễn Công