Sáng kiến xuất phát từ trách nhiệm với công việc

CSVN – Đó là chia sẻ của anh Lê Quốc Thanh – đồng tác giả “Sáng kiến cải tiến dây chuyền sản xuất mủ cốm tạp bỏ qua máy cắt thô 2 và máy băm búa”, tiết kiệm điện, giảm chi phí trong sản xuất của nhóm tác giả Xí nghiệp cơ khí chế biến Lộc Hiệp, Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh được vinh danh tại Festival “Sáng tạo trẻ” toàn quốc lần thứ X năm 2017.
Nhóm tác giả cải tiến dây chuyền sản xuất mủ cốm tại Xí nghiệp cơ khí chế biến Lộc Hiệp. Ảnh: CTV
Nhóm tác giả cải tiến dây chuyền sản xuất mủ cốm tại Xí nghiệp cơ khí chế biến Lộc Hiệp. Ảnh: CTV
Sáng kiến gắn liền công việc

Tại Festival “Sáng tạo trẻ” toàn quốc lần thứ X diễn ra tại thủ đô Hà Nội, Lê Quốc Thanh là một trong 3 đoàn viên thanh niên (ĐVTN) thuộc VRG vinh dự được tuyên dương vì đã có những công trình, sáng tạo tiêu biểu năm 2017.

Gặp Quốc Thanh sau buổi lễ, anh chia sẻ: “Tôi cảm thấy vinh dự và tự hào khi được đại diện cho ĐVTN trong đơn vị tham dự và đứng trên bục tuyên dương tại Festival Sáng tạo trẻ toàn quốc năm nay. Bên cạnh niềm vinh dự, trong tôi có nỗi trăn trở, đó là cần phải tìm tòi, suy nghĩ thêm nhiều giải pháp mới nhằm cải tiến dây chuyền sản xuất, tiết kiệm thêm chi phí và giảm sức lao động cho CN”.

Theo anh Thanh, không nghĩ có sáng kiến, tìm ra giải pháp để được nhận giải thưởng, mà xuất phát từ nhu cầu công việc thực tiễn hàng ngày. “Nó đòi hỏi tự bản thân mỗi người phải có ý thức trách nhiệm cao và tìm cách giảm tải sức lao động đối với mỗi công việc được giao. Để có nhiều sáng kiến cải tiến hiệu quả thì cần có sự quan tâm, hỗ trợ tích cực từ cấp lãnh đạo ngay từ lúc ý tưởng mới nảy nở thì mới trở thành những giải pháp  cải  tiến có hiệu quả trong lao động sản xuất”, Thanh tâm sự.

Trước đây, mủ nhận về chỉ cắt qua một máy rồi lưu trữ từ 8 – 10 ngày mới cắt nhỏ và tiến  hành sản xuất theo quy trình. Phương pháp này có nhiều nhược điểm như mủ bị khô, cứng rất khó cán, cần phải qua nhiều máy cắt, băm khiến máy móc hoạt động nặng nề, tạp chất dính  trong mủ  khó bị loại bỏ sau khi qua các hồ rửa mủ, khó đảm bảo các chỉ tiêu chất lượng. Vì vậy nhóm tác giả Lê Quốc Thanh, Đỗ Văn Huy, Võ Minh Khánh – xưởng cốm tạp đã có sáng kiến cải tiến dây chuyền sản xuất mủ cốm tạp bỏ qua máy cắt thô 2 và máy băm búa.

Nhiều ưu điểm của máy cải tiến

So với cách sản xuất trước kia thì sản xuất sản phẩm theo dây chuyền cải tiến có nhiều ưu điểm. Cụ thể: Cắt giảm máy cắt thô số 2, máy băm búa, trục vít xoắn, gàu số 2, băng tải số 1, máy khuấy 1, 2. Sau khi nhận mủ từ các nông trường về nhà máy, tiến hành phân loại và sản xuất ngay, mủ còn mềm nên máy móc hoạt động nhẹ nhàng, loại bỏ tạp chất ngay từ đầu, tăng các chỉ tiêu PO, PRI, tiết kiệm nhiên liệu.

Qua một thời gian thử nghiệm từng chủng loại mủ, xem xét các chỉ tiêu như chất bẩn, tro… chất lượng vẫn như nhau, không thay đổi. Sau tín hiệu thành công bước đầu, nhóm tiếp tục đề xuất giảm bớt máy băm búa vì tiếng ồn quá lớn và tiêu thụ điện năng cao. Qua một thời gian thử nghiệm thì chỉ tiêu chất bẩn chỉ cao hơn 0,004, chỉ tiêu tro chỉ cao hơn 0,032 và các chỉ tiêu theo tiêu chuẩn TCVN 6089:2004 và 6087:2010 vẫn được đảm bảo.

Bên cạnh đó, việc bỏ qua công đoạn máy cắt thô 2 và máy băm búa trong dây chuyền sản xuất mủ cốm tạp giúp tiết giảm chi phí vật tư, nhân công bảo trì bảo dưỡng, tiết giảm được chi phí điện năng hơn 100kw/giờ. Khi chưa áp dụng sáng kiến này, thời gian lao động một ca là 8 tiếng đồng hồ của 45 CN sẽ sản xuất được 10 tấn mủ cốm tạp. Sau khi áp dụng, dây chuyền đã giảm được 2 CN ở khâu cắt băm tồn trữ nhưng vẫn đảm bảo sản xuất được 10 tấn mủ cốm tạp thành phẩm.

Trong ngày, hệ thống dây chuyền có thể chạy tối đa 1,5 ca sản xuất, công suất máy đáp ứng được sản lượng 15 tấn mủ cốm tạp thành phẩm. Sau thời gian thử nghiệm sáng kiến trong 5 tháng, đến tháng 3/2017, Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh quyết định áp dụng đưa vào sản xuất thực tiễn.

Minh Nhiên