CSVN – Hàng năm, khi những cơn mưa bắt đầu giảm đi, nắng trở nên gay gắt và đều hơn thì rừng cao su cũng bắt đầu thay đổi. Thời gian này là lúc trái cao su chín rộ, gặp nắng chúng thay nhau rụng xuống. Hết chùm quả này tách vỏ, lách mình rơi xuống đất thì đến lượt chùm quả khác, tạo thành tiếng nổ lách tách trong những cánh rừng cao su. Ấy chính là lúc báo hiệu mùa nhặt hạt cao su đã đến.
Nhớ hồi còn nhỏ, tôi thường theo ba và mấy chị gái ra vườn cao su để nhặt hạt. Tiếng quả cao su bung vỏ nổ lách tách, hạt cao su rớt xuống va vào cành, vào lá rồi rơi xuống đất nghe thật vui tai. Có những quả khi rơi xuống tự tách vỏ, hạt bay ra ngoài xa đến vài chục mét, cũng có quả vẫn còn đang ngậm hạt. Ba tôi và những người công nhân cạo mủ khác thì lo công việc của mình, đó là bóc chén và cạo mủ.
Còn bọn trẻ chúng tôi cứ thi nhau mà nhặt hạt. Buổi sáng, trời còn sương, số quả sót lại chưa kịp bung nở của ngày hôm trước bắt đầu nổ lai rai, đến trưa gặp nắng thì chúng đồng loạt tách vỏ, thi nhau rơi xuống đất. Lúc này những người công nhân cũng xong việc, chẳng ai nói ai cứ thế người bao, người thùng, người giỏ xách cùng nhau lom khom nhặt hạt. Người già, người trẻ, tiếng nói, tiếng cười pha lẫn tiếng nổ lách tách của những quả cao su làm cho vườn cây vui như ngày Tết.
Thời gian thu hoạch hạt rụng chỉ kéo dài trong vòng một tháng, nên ai cũng cố gắng nhặt thật nhanh cho kịp. Với những cánh rừng cao su rộng hàng chục hécta, người nhặt chỉ có đau lưng, mỏi gối chứ hạt cao su không bao giờ vơi cạn. Người đi nhặt hạt cao su cứ việc tìm đến những cánh rừng lớn, có cây lâu năm, nghe tiếng nổ lách tách càng nhiều là dấu hiệu để biết nơi này có nhiều hạt. Hạt mới rụng còn tươi nguyên, đôi khi sờ vào còn ấm và chúng chưa bị đổi màu nên nặng, trông bóng lưỡng và rất đẹp. Chậm chạp là quả rụng xuống gặp sương, hơi ẩm rồi chuyển sang màu đen và bắt đầu mọc mầm nên hạt nhẹ, không có ai mua.
Và dường như cây cũng biết chiều lòng người. Cứ vào khoảng cuối tháng 10 đầu tháng 11 là quả cao su bắt đầu chín, rụng xuống đất. Cũng là lúc người dân quê tôi rảnh rang, mùa vụ năm sau chưa tới nên mọi người rủ nhau đi nhặt hạt rất đông.
Đến khi cây hết rụng hạt thì mọi người lại vào việc của mình, hối hả chuẩn bị làm đất, trồng hoa màu cho vụ Tết trong năm. Đây thực sự là thứ trời cho, vừa có thêm thu nhập, vừa có việc làm. Mỗi ký hạt cao su có giá từ 2.000 – 3.000 đồng, mỗi ngày, một người nhặt ít nhất cũng được gần 100kg, xem ra cũng là một khoản thu nhập không nhỏ. Thời gian cứ qua đi và vùi lấp biết bao kỷ niệm thuở ấu thơ, nhưng tôi không sao quên được những buổi cùng ba và các chị ra lô cao su nhặt hạt.
Thời tiết mùa này, những đợt nắng chói chang cũng đang bắt đầu lan tỏa, cũng là lúc người dân quê tôi chuẩn bị vào mùa nhặt hạt mới. Tôi thèm được trở về với tuổi thơ, được đi dưới những cánh rừng cao su rợp mát, được nghe tiếng nổ lách tách của những quả cao su rơi rụng. Để nhớ, để thương về một vùng quê xa xôi, nơi tôi được sinh ra và lớn lên thành người!
Võ Thanh Phụng
Related posts:
- Giám đốc đồn điền và những người giúp việc
- Du Xuân theo ý thích
- Tết "ấm" của công nhân cao su
- Cao su Bình Long: Nông trường Xa Trạch nhất toàn đoàn hoạt động thể thao năm 2023
- Giải thưởng của niềm tâm huyết
- Khi biển lên đèn
- Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn 65 năm yêu "chất" công nhân cao su
- Thông báo Cuộc thi ảnh "Ánh sáng từ dòng vàng trắng" lần 5 năm 2019
- 8/3 nơi vùng cao Yên Bái
- Về xứ Nghệ ngắm hoa hướng dương