CSVN – Nhắc đến sóc Bom Bo (xã Bình Minh, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước), nhiều người liên tưởng ngay đến “tiếng chày giã gạo bên ánh lửa lồ ô bập bùng”. Hình ảnh truyền cảm hứng mạnh mẽ ấy xuất phát từ trong lời bài hát “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” của cố nhạc sĩ Xuân Hồng.
Nhắc đến Bom Bo là nhắc đến niềm tự hào truyền thống cách mạng quê hương, nhắc đến kì tích “giã gạo nuôi quân” năm xưa của những người dân bản địa S’Tiêng yêu nước nồng nàn, một lòng một dạ sắt son với Đảng, với cách mạng và Bác Hồ.
Lịch sử địa phương và qua ký ức của già làng Điểu Lên – một nhân chứng sống, hình tượng của người dân Bom Bo trong kháng chiến và ngày nay: Vào những năm 1962 – 1963, quân Mỹ và Việt Nam Cộng hòa dồn dân vào ấp chiến lược nhưng cả sóc Bom Bo kiên quyết không vào ấp chiến lược. Đến giữa năm 1963, hàng chục người dân của sóc Bom Bo đã lặng lẽ băng rừng, vượt suối đi theo cách mạng vào căn cứ “Nửa Lon” bên dòng suối Đăk Nhau và Đăk Liêng lập ra sóc mới vẫn giữ nguyên cái tên mang âm điệu rắn rỏi, sắt đá: “Bom Bo”.
Năm 1965, sóc Bom Bo trở thành trung tâm tiếp tế lương thực cho bộ đội tham gia chiến dịch Đồng Xoài – Phước Long nhằm tiêu diệt cụm quân sự của địch ở phía Bắc chiến khu Đ trong phạm vi tỉnh Phước Long, Bình Long và trên trục giao thông chiến lược Tây Nguyên – Sài Gòn (Quốc lộ 13, 14). Hưởng ứng lời cách mạng kêu gọi, người dân Bom Bo từ già trẻ đến gái trai nô nức trồng lúa, mì trên nương vào ban ngày, tối đến thì đốt đuốc lồ ô giã gạo cho đến tận sáng để cung cấp lương thực nuôi bộ đội giải phóng; người dân trong sóc sẵn sàng ăn củ rừng, ăn tro để nhường gạo, muối cho bộ đội đánh giặc.
Tiếng chày giã gạo nghĩa tình “cắc cum cum” ấy đã thổi bùng cảm hứng “ánh lửa lồ ô bập bùng” trong nhạc sĩ Xuân Hồng và thôi thúc ông trong một ngày thăng hoa, xuất thần sáng tác ra bài hát nổi tiếng, đi vào lòng người: “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” (năm 1966). Bài hát mang âm hưởng núi rừng Tây Nguyên với giai điệu nhịp nhàng, rộn rã, mô phỏng theo động tác giã gạo như tác giả từng chia sẻ.
Bom Bo ngày nay đổi thay kể từ khi tỉnh triển khai xây dựng các dự án thuộc Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’Tiêng sóc Bom Bo. Dự án khu bảo tồn này có tổng diện tích 113,4 ha (70 ha vùng lõi, 43,4 ha vùng đệm). Việc triển khai xây dựng dự án này nhằm khôi phục, tái hiện không gian sinh sống truyền thống; giới thiệu những phong tục, tín ngưỡng và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc S’Tiêng nơi đây; đồng thời thu hút du khách tham quan, đẩy mạnh phát triển ngành du lịch, dịch vụ của tỉnh.
Thăm nơi đây, du khách sẽ có dịp ôn lại những năm tháng kháng chiến hào hùng của đồng bào dân tộc S’Tiêng hướng về cách mạng với hoạt động giã gạo nuôi quân; được hòa mình vào những âm thanh rộn ràng của tiếng chày xen lẫn tiếng cồng chiêng; uống rượu cần, thưởng thức món thịt nướng, nghe già làng kể chuyện về buôn sóc bên ánh lửa hồng. Ngoài ra, du khách còn được tham gia, tìm hiểu về các lễ hội, chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống độc đáo của đồng bào S’Tiêng tại khu bảo tồn.
Những hoạt động này mang ý nghĩa giao thoa văn hóa giữa người dân nơi đây với du khách và tạo điều kiện cho đồng bào S’Tiêng có thêm động lực, ý thức trong việc bảo tồn, gìn giữ văn hóa của dân tộc. Qua đó, góp phần giới thiệu, quảng bá đến du khách về nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào S’Tiêng ở Bình Phước nói riêng và đồng bào S’Tiêng cả nước nói chung; đồng thời đưa phong trào văn hóa, văn nghệ của đồng bào S’Tiêng và của địa phương ngày càng phát triển.
Đỗ Văn Duyên
Related posts:
- Đội Công ty CP TMDV&DL Cao su giành giải nhất Hội thi tìm hiểu “85 năm truyền thống ngành cao su VN”...
- Ảnh dự thi "Ánh sáng từ dòng vàng trắng" lần thứ V năm 2019
- Lịch sử hào hùng và mục tiêu lớn lao
- Nữ nhạc sĩ Quỳnh Hợp: "Nghe tiếng vọng về từ quá khứ"
- Ngủ ngon
- Chuyến Tàu Thời Gian
- Tự hào, trân trọng giá trị truyền thống ngành
- Hy vọng
- Thư chúc mừng của Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh
- Tổ chức hội thao CNVC-LĐ VRG năm 2022