Giới thiệu quy trình kỹ thuật điều chỉnh bổ sung 2017

Kỳ trước

Khắc phục vườn cây gãy đổ do bão. Ảnh: Ngô Thị Thu Ba
Khắc phục vườn cây gãy đổ do bão. Ảnh: Ngô Thị Thu Ba
Quản lý rủi ro thiên tai

Thiên tai ảnh hưởng đến vườn cây bao gồm gió bão, khô hạn, rét hại, cháy vườn cây là các loại hình thiên tai có thể xảy ra hàng năm.

Các hoạt động quản lý rủi ro thiên tai trên vườn cây với mục đích giảm thiểu tổn thất thông qua công tác chuẩn bị, ứng phó hiệu quả và làm cho việc khắc phục được hiệu quả và nhanh chóng hơn.

Các hoạt động chính gồm:

+ Phòng ngừa: Các hoạt động chuẩn bị được tiến hành trước khi thiên tai xảy ra (cả trong ngắn hạn và dài hạn) như áp dụng cơ cấu giống chống chịu (rét hại, bệnh hại, gãy đổ, khô  hạn…) theo khuyến cáo, tỉa  cành tạo  tán chủ động, quản lý cỏ, băng ngăn lửa trong phòng chống cháy…

+ Ứng phó và phục hồi, biện pháp xử lý trong và sau khi thiên tai xảy ra, thống kê đánh giá thiệt hại, thực hiện các biện pháp khắc phục.

Điều 40: Quản lý vườn cây bị thiệt hại do gãy đổ

Khi vườn cây thiệt hại bởi thiên tai gãy đổ đơn vị nhanh chóng thống kê thiệt hại, phân loại theo thiệt hại chi tiết và báo cáo nhanh Tập đoàn.

Biện pháp xử lý:

+ Kiểm kê phân loại các dạng (nghiêng long gốc, nghiêng không long gốc, gãy cành, gãy nhánh, gãy ngọn, gãy thân chính, bật gốc…) tùy theo hiện trạng để xử lý.

+ Trong xử lý vườn cây gãy đổ cần lưu ý công tác an toàn lao động, nhất là trên vườn cây khai thác, giải phóng sớm để chống cháy vườn cây và ổn định sản xuất. Các cây thanh lý phải được kiểm kê và đánh dấu trước khi cưa để tránh nhầm lẫn với cây khác.

Điều 41: Quản lý phòng chống cháy cho vườn cây cao su:

Phòng ngừa:

Vào mùa khô, đơn vị phải có biện pháp phòng chống cháy, bảo vệ vườn cây. Đặt biển báo cấm lửa trên đường giao thông chính và đường liên lô. Tổ chức đội chữa cháy có trang bị đầy đủ dụng cụ, phương tiện chữa cháy và phân công công nhân túc trực để làm nhiệm vụ. Chủ động chuẩn bị kế hoạch, xây dựng phương án PCC trong mùa khô hàng năm, xây dựng phương án PCC chi tiết cho từng khu vực, từng đội, tổ, nông trường, kế hoạch thực hiện của từng tháng. Việc quản lý cỏ phòng chống cháy phải thực hiện trước khi vào mùa khô khoảng 1 tháng để đảm bảo xác bã thực vật phân hủy, hoai mục và không làm chất gây cháy trong mùa khô.

Trên vườn cây kinh doanh, thực hiện như điều 153 QTKT 2012:

+ Trước mùa khô hàng năm, thực hiện các biện pháp chống cháy cho vườn cây. Làm các đường ngăn lửa cách khoảng 100-200m. Mùa cao su rụng lá, tổ chức quét lá, gom lá vào giữa hàng hay hố đa năng.

Trên vườn cây tái canh trồng mới và KTCB:

+ Thực hiện các biện pháp quản lý cỏ theo điều 86 QTKT 2012 và điều 6 QTKT 2014, điều 5 QTKT 2017. Trường hợp làm cỏ bằng cày cần đảm bảo khoảng cách quy định  để không ảnh hưởng xấu đến vườn cây. Thực hiện các công việc kiểm soát cỏ dại chống cháy (phát cỏ, phun thuốc diệt cỏ) trên hàng cao su, đường luồng, đối với đường biên của lô cao su và diện tích khu vực giáp rừng, giáp rẫy của người dân, khu vực khe suối ngoài các biện pháp trên có thể tổ chức đốt có kiểm soát tạo băng ngăn lửa…Tạo các đường băng ngăn lửa khoảng cách từ 50 – 100 m tùy hiện trạng.

T.S

(Xem tiếp kỳ sau)