Cao su tình đất, tình người…

CSVN – Ta qua dặm dài đất nước Việt Nam trên những con đường rộng mở thênh thang dưới bạt ngàn rừng cao su xanh lá. Màu xanh lan tỏa trên đồi núi, cao nguyên, từ miền Đông đất đỏ, đến Tây Bắc, Tây Nguyên…Ôi, màu xanh nuôi bền sự sống, tô thắm những trang sử vàng truyền thống ngành cao su và nuôi bền tình yêu người thợ trên những nông trường …
Ảnh: Võ Văn Hoàng.
Ảnh: Võ Văn Hoàng.

Ta đi bên những hàng cao su thẳng tắp như chứng nhân của bao thăng trầm dâu bể. Đằng đẵng trôi qua hơn một thế kỷ, cây cao su vẫn luôn chung thủy với đất, với người. Đất cao nguyên dẫu xa vời vợi vẫn luôn đón đợi, gọi mời những bước chân người thợ. Để rồi qua những mùa xuân thay lá, rừng cao su đã xôn xao bóng tỏa, trải mướt mát, ngút ngàn trong tầm mắt công nhân, hẹn đến mùa hiến dâng dòng nhựa trắng…

Thân thương lắm những nụ cười người thợ, dáng cần lao đang cạo mủ mê say, đôi bàn tay khéo léo đong đầy những tháng ngày no ấm! Càng thêm yêu quý cuộc sống hôm nay khi ta nhớ về một thời đắng cay, lầm lũi. Câu ca dao buồn tủi: “Cao su đi dễ khó về…” giờ còn nghe tái  tê nẫu ruột. Máu, mồ hôi và nước mắt của bao lớp công nhân đã thấm vào đất. Dưới chế độ thực dân, cây cao su cũng lầm than như những người thợ nông trường…

Ôi, cao su kiên cường, bất khuất từng sát cánh cùng ông cha ta đánh giặc đuổi thù! Rừng cao su đã thành chiến khu cách mạng nuôi chí bền một thuở. Từ “Phú Riềng Đỏ” đến Dầu Tiếng, Quản Lợi, Lộc Ninh… cây cao su giăng lũy giăng thành, ươm mầm và nuôi dưỡng những mùa xuân thắng lợi…

Những công nhân nông trường yêu cuộc đời người thợ, yêu đất, yêu cây nên cao su chẳng phụ công người, biết dành dụm, chắt chiu từng giọt nhựa quý. Đã bao thế hệ, đời người thợ gắn bó với đời cây tình sâu nghĩa nặng, để rừng cao su cứ vươn ra mãi, để dòng nhựa trắng ngày ngày vẫn chảy về muôn nơi…

Trần Văn Lợi

(Nghĩa Hưng, Nam Định)