CSVN – Cao su Phước Hòa được đánh giá là một trong những đơn vị nằm trong top đầu có những sáng kiến, cải tiến và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trong đó, Phòng Công nghiệp công ty có những đóng góp không nhỏ.
Cải tạo dây chuyền mủ nước giúp tăng cơ cấu sản phẩm
Trong khoảng thời gian 2014 – 2016, Phòng Công nghiệp công ty đã có 7 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đem lại hiệu quả cao, góp phần tiết giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất làm việc và chất lượng sản phẩm. Trong đó, nổi bật là cải tiến “Cải tạo dây chuyền chế biến mủ nước bằng cách tận dụng, lắp đặt thêm thiết bị để chế biến mủ SVR 10 từ nguyên liệu mủ nước tại nhà máy chế biến Cuaparis” và đề tài “Cung cấp nhiệt cho sấy mủ cao su bằng nhiên liệu Biomass”. 2 đề tài này do ông Hoàng Ngọc Sửu – Phụ trách Phòng Công nghiệp công ty làm chủ nhiệm.
Từ yêu cầu thực tế của thị trường, Phòng Công nghiệp đã tận dụng các máy móc cũ, cải tiến để lắp đặt thêm thiết bị kết hợp với dây chuyền chế biến SVR 3L thành chế biến SVR 10 từ Latex với chi phí đầu tư ít nhằm tăng sản phẩm SVR 10 lên 10.000 tấn/năm, tạo thêm cơ cấu sản phẩm, giúp tăng vị thế thương hiệu Cao su Phước Hòa trên thị trường.
Giải pháp này được công ty ứng dụng từ tháng 3/2015 tại nhà máy chế biến Cuaparis. Công ty đã chuyển đổi 1 dây chuyền chế biến mủ nước để cùng với dây chuyền phụ sản xuất SVR10 từ latex vừa tạo sự cơ động trong cơ cấu sản phẩm của công ty, đáp ứng nhu cầu khách hàng, giải quyết tồn kho, tạo nguồn vốn và tăng hiệu quả trong kinh doanh, nâng cao vị thế của công ty. Đến tháng 10/2015, dây chuyền bắt đầu hoạt động, với chi phí nguyên liệu tương đương với mủ SVR3L, chi phí chế biến tăng thêm 63 triệu đồng nhưng giá trị thu thêm hơn 223 triệu đồng. Theo tính toán, tổng giá trị làm lợi trong năm 2015 hơn 160 triệu đồng.
Bảo vệ môi trường và giảm chi phí sản xuất
Giải pháp áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất “Cung cấp nhiệt cho sấy mủ cao su bằng nhiên liệu Biomass” để thay thế nhiên liệu đốt nóng lò sấy mủ cao su từ nhiên liệu DO và FO bằng Biomass được Phòng Công nghiệp đề xuất vào thực hiện nhằm bảo vệ môi trường và giảm chi phí sản xuất.
Nhiên liệu truyền thống tại các lò sấy cho dây chuyền mủ nước là dầu DO, dây chuyền mủ tạp là dầu FO với những định mức từ 29 – 32 lít/tấn sản phẩm. Khi sử dụng dầu để đốt làm nóng lò sấy thì tiêu hao nhiên liệu trên tấn sản phẩm cao, giá dầu tăng cao sẽ kéo theo giá thành sản xuất tăng. Thêm vào đó, nhược điểm khi dùng dầu DO, FO đó chính là sản phẩm mủ cao su đôi khi còn bị cháy, bị dính bụi dầu làm ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm.
Phòng Công nghiệp công ty mạnh dạn áp dụng công nghệ cung cấp nhiệt cho sấy mủ cao su bằng nhiên liệu Biomass để thay thế dầu DO, FO (sử dụng nhiên liệu thân thiện môi trường, sẵn có tại địa phương như củi vụn, vỏ lụa, mùn cưa và các nhiên liệu khác có nguồn gốc từ gỗ).
Áp dụng tiến bộ này đã giúp công ty tái sử dụng chất thải, góp phần giảm đáng kể việc thải khí CO2 vào môi trường, giảm hiệu ứng nhà kính, chung tay thực hiện chương trình sản xuất sạch hơn. Hệ thống sấy bằng nhiên liệu Biomass được lắp đặt, đầu nối hoàn chỉnh tại nhà máy chế biến Cuaparis và được vận hành từ tháng 01/2015 cho đến nay. Giải pháp này đã làm lợi cho công ty trong hai năm qua là 2,1 tỷ đồng.
Ông Hoàng Ngọc Sửu – Phụ trách Phòng Công nghiệp công ty chia sẻ: “Phòng Công nghiệp công ty rất vinh dự khi được nhận giải Cao su Việt Nam lần này, đó là động lực khích lệ chúng tôi tiếp tục cống hiến trong công việc, ngày càng có nhiều hơn nữa những cải tiến, sáng kiến ứng dụng vào sản xuất. Những đề tài, giải pháp mà phòng thực hiện trong thời gian qua đều xuất phát từ yêu cầu thực tiễn trong công việc. Nhờ có sự quan tâm tạo điều kiện của Ban lãnh đạo công ty và quyết tâm của tập thể nên đạt được kết quả khả quan”.
Quỳnh Mai
Related posts:
- Sử dụng hóa chất và suy giảm đa dạng sinh học
- Nhà máy chế biến mủ K’Dang: Cải tiến kỹ thuật, nâng cao thu nhập cho người lao động
- Chẩn đoán dịch hại cây cao su trên thiết bị di động
- Quy trình kỹ thuật cây cao su năm 2020 sẽ ban hành vào tháng 10
- Đến quý 2/2017 không sử dụng axit sunfuaric trong sơ chế cao su
- NEPAL phát triển cao su để hồi sinh các vùng đất bị suy thoái
- Cảnh báo bệnh hại cao su đầu mùa mưa
- Cao su Việt Lào: phối hợp chặt chẽ với Viện Nghiên cứu CSVN để phát triển bền vững
- Cao su Kon Tum: Quyết tâm giữ được bộ lá ngay từ đầu mùa
- Triển vọng năng suất vườn cây khu vực Lào, Campuchia