CSVNO – Đó là phát biểu của Đồng chí Bùi Văn Thạch – Phó Chánh văn phòng TW Đảng trong buổi làm việc với VRG về kết quả thực hiện Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về việc sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp vào ngày 11/11.
Theo ông Thạch, “hiện nay các tỉnh có nhu cầu rất cao về chuyển đổi đất cao su sang các hoạt động khác như công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao. Tập đoàn cần chủ động tối đa trong định hướng sử dụng đất. Phải bắt kịp nhu cầu, hướng nhu cầu của tỉnh theo hướng hoạt động của VRG, chủ động kết hợp cùng địa phương thực hiện các dự án để hạn chế việc phải chuyển giao đất cho địa phương, ảnh hưởng đến quy mô quản lý của Tập đoàn”.
Ông Thạch cũng đánh giá rất cao vai trò của VRG trong việc phát triển kinh tế đi đôi với bảo đảm an sinh xã hội, nhất là ở vùng sâu, vùng xa và đảm bảo an ninh quốc phòng ở vùng biên giới. Có thể khẳng định ở đâu có công ty cao su, có người của ngành cao su thì Đảng, chính quyền địa phương rất yên tâm.
Tại buổi làm việc, bên cạnh việc báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh và công tác cổ phần hóa, Bí thư Đảng ủy, TGĐ VRG Trần Ngọc Thuận cũng đưa ra nhiều kiến nghị với đoàn làm việc. Theo ông Thuận, ngành cao su đang trong giai đoạn khó khăn. Cao su là cây trồng chủ lực nhưng không phải là duy nhất, phải trồng xen cây ngắn ngày, cây dài ngày, trồng giãn hàng, trồng keo để đạt hiệu quả sử dụng đất cao nhất. Hiện tại đã trồng chuối, mía và một số mô hình khác trên đất cao su, bước đầu mang lại hiệu quả rất tốt. Mong Văn phòng TW Đảng tham mưu để các Bộ, Ngành tiếp tục ủng hộ chủ trương này.
Hiện nay, Bộ Tài chính quy thu nhập từ thanh lý cao su là thu nhập bất thường nên khi tính doanh thu để tính lương không có khoản thu nhập này, làm thiệt thòi đến các chế độ, chính sách của người lao động. VRG cũng kiến nghị đưa doanh thu thanh lý gỗ cao su vào diện được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp như từ hoạt động trồng và chế biến cao su.
Nhìn chung, thực hiện theo Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị định 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ về sắp xếp Nông lâm trường đối với ngành cao su là rất có hiệu quả. Toàn bộ diện tích cao su đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hiệu quả sử dụng đất đai của cao su ngày càng được tăng cao, ổn định an ninh trật tự, tạo công ăn việc làm cho đồng bào dân tộc và đóng góp cho địa phương, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.
Đào Phong
Related posts:
- Chủ động, linh hoạt tiêu thụ sản phẩm
- Cao su Điện Biên về trước kế hoạch sản lượng 12 ngày
- Nệm Đồng Phú khai trương nhà phân phối tại Campuchia
- Cao su Dầu Tiếng tổng kết công tác bảo vệ tài sản
- Cao su Tây Ninh ưu tiên hợp tác sản xuất sản phẩm cao su
- Tập trung cổ phần hóa Công ty mẹ -Tập đoàn đúng kế hoạch
- Thu nhập người lao động Cao su Kon Tum trên 9 triệu đồng/người/tháng
- Công ty 75 tổ chức huấn luyện dân quân tự vệ đợt 1
- VRG làm việc với đoàn khảo sát công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ
- Phát huy truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ" trong Cựu chiến binh VRG