CSVN – Nhân kỷ niệm 120 năm cây cao su di nhập vào Việt Nam (1897 – 2017), thiết thực chào mừng 88 năm ngày Truyền thống ngành cao su VN (28/10/1929 – 28/10/2017), Tạp chí Cao su Việt Nam phát động Cuộc thi viết ngắn “Màu xanh tôi yêu”.
Trong thời gian 6 tháng, từ ngày 15/4 – 15/10, Ban tổ chức đã nhận được hơn 150 bài dự thi đến từ mọi miền tổ quốc, với nhiều lứa tuổi và ngành nghề, thể hiện nhiều cung bậc tình cảm nhưng tất cả là tấc lòng yêu quý, tự hào đối với ngành cao su, với màu xanh của “Dòng chảy cuộc sống”.
Các bài dự thi đều bộc bạch những tình cảm tuy mộc mạc nhưng chân thành đối với loại cây có bề dày lịch sử và trân quý ngành nghề đã chọn cho dù trải qua bao thăng trầm – nhất là giai đoạn giá mủ xuống thấp. Lúc hoài niệm suy tư, khi phơi phới tự hào về truyền thống “cha truyền con nối”, lạc quan với bao dự định tốt đẹp trong tương lai…
Tất cả là ký ức ngọt ngào, kỷ niệm đẹp nhất của mỗi sớm mai “những người thợ cạo thức dậy trên chiếc xe máy chở cặp thùng, với mớ dụng cụ lao động va vào nhau tạo thành thứ âm kêu leng keng nghe thật vui tai trên khắp mọi nẻo đường”, là “hình ảnh cây cao su vừa đâm chồi sau một kỳ nghỉ dài, cả một rừng cao su phủ đầy màu xanh, tạo nên một cảm giác thật dễ chịu và yên bình”, chút ngậm ngùi khi “nhìn thấy những vết sẹo của các chị mới biết vì sao người ta hay nói đùa: “sẹo trên người nhiều không kém gì cây”, nhưng những cô gái nông trường vẫn “bước chân thoăn thoắt, ánh mắt không rời khỏi đường cạo”, bởi tất cả là “niềm hãnh diện, tự hào khi được làm việc trong ngành cao su, một ngành nông nghiệp lâu đời và có nhiều cống hiến cho Tổ quốc”. Với họ “càng trong gian khó thì tình yêu cao su càng được phát huy, càng thấm vào trong”, để rồi lạc quan “màu xanh ấy hôm nay đã phủ kín biết bao mảnh đất hoang tàn do chiến tranh, màu xanh ấy không những là màu của sự sống mà còn là hy vọng, là tương lai của rất nhiều người trong đó có tôi”….
Có thể thấy, trong địa hạt bộc lộ cảm xúc mang hơi thở cuộc sống đời thường, vẫn thấy đâu đó những “giọt lòng” chân thành, những tình cảm chân chất của người công nhân cạo mủ. Vâng, họ có quyền tự hào và tin yêu về màu xanh – Mạch nguồn cuộc sống…
Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn có những tồn tại nhất định: nhiều bài còn dàn trải, chưa thật sự nêu bật chủ đề, cảm xúc đôi lúc vẫn còn khiên cưỡng, chưa “đủ chín” về cách thể hiện. Điều này cũng dễ hiểu bởi với thời gian quá ngắn, độ thấm về loài cây chưa nhiều, hơn nữa quy định của cuộc thi đòi hỏi khả năng cô đọng, súc tích, tính khái quát cao. Viết ngắn vốn khó, viết ngắn tập trung nêu bật chủ đề lại càng không dễ. Vì thế cần có thêm thời gian, có đủ sự trải nghiệm để khám phá mới có thể lột tả đầy đủ cảm xúc và tấc lòng “tôi yêu màu xanh”.
Cuộc thi khép lại nhưng dư âm màu xanh bất tận, dòng nhựa trắng tuôn chảy vẫn còn mãi với thời gian tạo thành liên khúc hào hùng ca ngợi tình yêu trong lao động, niềm tự hào về loài cây và ngành nghề đã chọn. Tất cả minh chứng cho sự trường tồn của màu xanh ấm no, tin yêu và hy vọng.
BTC
Related posts:
- Quy trình khép kín
- Đội tuyển quốc gia không thể trở thành sản phẩm kinh tế
- Lặng tình Tây Bắc
- Thi đua
- Cao su Phước Hòa nhất toàn đoàn Hội thao Khu vực V
- Địa ốc Cao su vô địch cúp Geru Star lần 4
- Tập đoàn Quế Lâm: Thêm nhiều mô hình sản xuất hữu cơ mới
- Cao su Chư Mom Ray tổng kết công tác Đảng năm 2022
- Ký ức tranh cổ động thời chống Mỹ
- VRG tập trung giải pháp ổn định lao động