CSVN – Qua bao thăng trầm của thời gian, những cây cao su đầu tiên do người Pháp trồng tại Lô 9 Nông trường Dầu Giây, TCT CS Đồng Nai vẫn còn đó dấu tích từ những ngày đầu cây cao su có mặt tại Đông Nam bộ, như một lời nhắc nhở về việc giữ gìn, bảo tồn những giá trị truyền thống của ngành cao su Việt Nam.
Hàng năm, cứ đến dịp kỷ niệm ngày truyền thống ngành cao su 28/10, chúng tôi lại ghé về thăm vườn cây cao su bảo tồn tại Lô 9, Nông trường Dầu Giây (ấp Phan Bội Châu, xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai). Năm 1901, khi thực dân Pháp xây dựng tuyến đường sắt từ Sài Gòn ra Phan Thiết, đi qua tỉnh Đồng Nai, các kỹ sư và nhà thầu người Châu Âu đã lập một trang trại mang tên Dầu Giây (lấy theo tên của một ngôi làng nhỏ gần đó) để trồng thử nghiệm các loại cây công nghiệp như cà phê, tiêu, cao su…
Dường như thích ứng với thời tiết, đất đai màu mỡ nơi đây, trong các loại cây trồng thử nghiệm thì cây cao su phát triển vượt trội. Do đó, năm 1906, trang trại Dầu Giây đã cho trồng lô cao su đầu tiên với khoảng 1.000 cây giống, trên diện tích 8 ha. Công ty nông nghiệp Suzannah là công ty cao su đầu tiên của Pháp ra đời để hợp thức hóa hoạt động và thu lợi nhuận kinh tế từ loại cây này. Mở rộng diện tích, thực dân Pháp bắt đầu mộ phu công tra từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung vào làm việc. Đoàn phu công tra đầu tiên từ huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị vào làm việc tại đồn điền Suzannah này.
Cây cao su đem lại lợi ích kinh tế cao, chính vì vậy quy mô, diện tích được mở rộng ra các vùng khác. Tuy mở rộng ở nhiều nơi, nhiều đồn điền được thành lập, mộ phu được tuyển vào đông hơn, thế nhưng vườn cao su Lô 9 vẫn giữ nguyên hiện trạng ban đầu để làm vườn cây thực nghiệm.
Sau ngày giải phóng, vườn cây thuộc sự quản lý của Nông trường Dầu Giây, TCT CS Đồng Nai. Năm 1980, nông trường ngừng cạo mủ ở Lô 9 nhằm bảo tồn, gìn giữ di tích của những cây cao su đầu tiên. Cũng trong năm đó, nông trường đã trồng thêm cây cao su thay thế những cây bị gãy đổ do thời tiết. Nông trường cho xây dựng hàng rào, làm cổng bảo vệ và thường xuyên cử người chăm sóc, quét dọn.
Lô 9 là vườn cây cao su có lịch sử lâu đời nhất tại Việt Nam, tính đến nay vườn cây tròn 111 tuổi. Nơi đây là điểm cho du khách tham quan, tìm hiểu về lịch sử một trong những cây cao su đầu tiên tại Việt Nam. Năm 2009, Lô 9 được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh.
Vườn cây nay đã già, có những cây rỗng bên trong và một số bị gãy đổ do thời tiết, mối mọt. Trong đó có 2 gốc cao su bị gãy đổ được Bảo tàng tỉnh Đồng Nai đưa về xử lý và trưng bày trong khuôn viên. Hiện còn hơn 300 cây cao su trồng năm 1906.
Ông Hoàng Minh Sang – Nguyên Phó giám đốc Nông trường Dầu Giây cho biết: “Lô 9 lịch sử này chứng kiến bao thăng trầm trong sự trường tồn của cây cao su tại Việt Nam. Vườn cây như một nhân chứng xuyên thế kỷ, minh chứng về sự khởi đầu và phát triển của ngành cao su Việt Nam. Có những cây cao su đầu tiên này thì mới có những rừng cao su rộng lớn như hôm nay. Thế hệ chúng tôi, những người phu công tra đã đổ biết bao mồ hôi, nước mắt, xương máu để gầy dựng, chúng tôi hy vọng và tin tưởng thế hệ sau sẽ tiếp nối giữ gìn và bảo tồn Lô 9 này, đồng thời giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của ngành cao su Việt Nam”.
Đi một vòng tham quan Lô 9 và nhà phu công tra được TCT CS Đồng Nai phục dựng năm 2015, được nghe kể về lịch sử của dòng nhựa trắng, tận mắt chứng kiến những cây cao su đầu tiên và được thừa hưởng thành quả ngày hôm nay, thế hệ những người trẻ như chúng tôi càng thêm trân quý những công sức đóng góp của thế hệ đi trước.
Anh Phạm Quang Sơn – Bí thư Đoàn thanh niên Nông trường Dầu Giây chia sẻ: “Tôi tự hào khi được công tác trong ngành cao su, đặc biệt là công tác tại Nông trường Dầu Giây, nơi có vườn cây cao su đầu tiên tại Đông Nam bộ. TCT CS Đồng Nai có 42 năm truyền thống và ngành cao su là ngành có bề dày truyền thống lâu đời. Lớp trẻ chúng tôi càng tự hào, tự nhắc nhở bản thân phải phấn đấu, cống hiến để không phụ lòng cha anh, góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào việc phát triển ngành cao su, chung tay xây dựng phồn vinh cho đất nước”.
Minh Nhiên
Related posts:
- Về
- Cao su - Dòng chảy hào hùng
- Hội Nhà báo tỉnh Gia Lai tổ chức cho hội viên đi thực tế tại huyện Chư Pưh và Chư Sê
- Thi đua
- Chúc tết năm mèo
- Di tích đồn điền Michelin: Địa chỉ "đỏ" hành trình về nguồn
- Thư gửi em mùa chống cháy!
- Tiếng chày huyền thoại
- Phát động Cuộc vận động sáng tác ca khúc về ngành cao su Việt Nam
- Đọc để học cách "mỉm cười cho qua"