Vấn đề người lao động quan tâm khi cổ phần hóa

CSVN – Quyền lợi người lao động (NLĐ) ra sao khi mua cổ phần (CP); khi mua nộp tiền như thế nào; mua CP ưu đãi có được trả chậm không… đó là những vấn đề quan tâm của NLĐ khi CPH Công ty mẹ – Tập đoàn.
NLĐ tham gia mua CP sẽ được trả cổ tức bằng tiền mặt, chuyển khoản hoặc hình thức khác. Trong ảnh: Công nhân NTCS Đoàn Văn Tiến (Cao su Dầu Tiếng) đang nhận lương. Ảnh: Bình Nguyên
NLĐ tham gia mua CP sẽ được trả cổ tức bằng tiền mặt, chuyển khoản hoặc hình thức khác. Trong ảnh: Công nhân NTCS Đoàn Văn Tiến (Cao su Dầu Tiếng) đang nhận lương. Ảnh: Bình Nguyên

Theo kế hoạch, từ đầu năm 2018, VRG sẽ hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Phương án cổ phần hóa (CPH) đã hoàn thiện và đang chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong quá trình thực hiện CPH, có nhiều vấn đề được NLĐ quan tâm. Vừa qua, CĐ Cao su VN đã tổng hợp các ý kiến từ các công ty, đơn vị và đã tiếp thu, giải trình.

 NLĐ trở thành cổ đông
  • Giá cổ phiếu là bao nhiêu, khi mua nộp tiền như thế nào?

Giá khởi điểm đề nghị là 13.000 đồng/cổ phần, mức giá chính thức sẽ do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Giá bán cho NLĐ bằng 60% giá đấu thành công thấp nhất. Khi nộp tiền mua cổ phiếu thực hiện theo quy định tại Khoản 2, Điều 10, Thông tư số 196/2011/TT-BTC ngày 26/12/2011 của Bộ Tài chính: “Trong thời gian 10 ngày kể từ ngày công bố kết quả bán đấu giá CP, nhà đầu tư hoàn tất việc mua bán CP và chuyển tiền mua cổ phần vào tài khoản của tổ chức thực hiện bán CP theo qui định tại Quy chế bán đấu giá”.

  • NLĐ có nghĩa vụ gì khi mua CP; khi mua CP ưu đãi có được trả chậm, trừ dần vào lương, hay phải trả tiền một lần?

NLĐ sẽ có quyền lợi, nghĩa vụ là một cổ đông của Công ty mẹ – Tập đoàn. Khi mua CP ưu đãi, NLĐ phải nộp tiền một lần.

  • Trường hợp NLĐ đăng ký mua nhưng sau không có điều kiện mua thì có ảnh hưởng gì không?

Tập đoàn khuyến khích NLĐ mua theo kế hoạch đã đăng ký để đảm bảo IPO thành công. Tuy nhiên, nếu NLĐ không mua, hiện chưa có chế tài xử phạt nào có liên quan.

  • Cổ phiếu ưu đãi cho NLĐ theo số năm công tác, sau khi mua bị giới hạn chuyển nhượng không?

– Đây là cổ phiếu phổ thông, không bị giới hạn chuyển nhượng.

Trả cổ tức bằng tiền mặt

– Đề nghị công ty cho NLĐ ứng tiền lương để mua CP; phương thức nhận cổ tức hàng năm như thế nào?

– Nội dung này phụ thuộc vào năng lực tài chính của từng công ty, ban điều hành và Công đoàn cơ sở phối hợp thực hiện. Cổ tức sẽ được trả bằng tiền mặt, chuyển khoản hoặc bằng hình thức khác (như chia CP thưởng).

  • Đề nghị tính giá khởi điểm là 12.200 đồng/cổ phần?

Mức giá 12.200 đồng là mức giá tối thiểu được quyền sử dụng để làm giá khởi điểm. Tuy nhiên, việc xác định giá khởi điểm cần áp dụng nhiều phương pháp định giá khác để xem xét. Mức giá 13.000 đồng/cổ phần là mức giá hợp lý, còn mức giá chính thức sẽ do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

  • Có thể tăng tỷ lệ chia cổ tức từ 10% trở lên tính từ năm 2018?

Việc xây dựng kế hoạch chi cổ tức theo kế hoạch là cam kết cần đảm bảo khả thi, do vậy khi xây dựng kế hoạch đã tính tới những tình huống bất lợi khác có thể xảy ra. Do vậy, việc tính toán như dự thảo phương án đã có cơ sở nên chưa xác định theo ý kiến đề xuất.

  • Tăng ưu đãi cho NLĐ mua CP do cam kết làm việc lâu dài, bằng cách giảm giá bán, cho mua trả chậm?

Nội dung này, VRG đang thực hiện theo quy định Khoản 2, Điều 48, Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 của Chính phủ, trong đó “Giá bán được xác định là giá đấu thành công thấp nhất khi tổ chức đấu giá”.

  • Sau cổ phần hóa Công ty mẹ – Tập đoàn sẽ thành công ty cổ phần, các công ty nông nghiệp (TNHH MTV) sẽ hoạt động như thế nào?

Các công ty nông nghiệp vẫn là doanh nghiệp do Tập đoàn sở hữu 100% vốn điều lệ. Tuy nhiên, sẽ có những thay đổi từ việc kiện toàn công tác quản trị doanh nghiệp do tác động của Điều lệ hoạt động của Công ty mẹ thay đổi.

  • Để tạo điều kiện cho NLĐ là người đồng bào dân tộc thiểu số, đề nghị cho mua trả chậm trong 2 – 3 năm, công ty có trách nhiệm thu tiền lương để thanh toán?

Việc thanh toán mua CP phải được thanh toán ngay theo quy định tại Khoản 2, Điều 10, Thông tư số 196/2011/TT- BTC ngày 26/12/2011 của Bộ Tài chính.

Anh Quân (ghi)